Tờ Nikkei Asian Review ngày 19/4 nhận định, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất hàng dệt may đầy tiềm năng mới của thế giới khi các “ông lớn” ngành này trên khắp toàn cầu đang “rục rịch” mở rộng hoạt động sản xuất của mình tại đây.
Công nhân đang vận hành máy móc tại nhà máy của công ty Avery Dennison RBIS ở Long An. (Ảnh: Nikkei Asian Review)
Từ Công ty Avery Dennison RBIS thuộc Tập đoàn Avery Dennison của Mỹ đến Tập đoàn dệt may Hàn Quốc - Panko - đều đang cho xây dựng các nhà máy mới ở Việt Nam nhằm đón đầu những cơ hội đến từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là một trong 12 thành viên.
Ngoài lợi thế về nhân công giá rẻ, các loại thuế quan dự kiến sẽ cắt giảm theo các điều khoản đã được ký kết trong TPP cũng là thỏi nam châm hút các doanh nghiệp dệt may đến với Việt Nam. Theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020 sẽ tăng gấp đôi, lên mức 55 tỷ USD.
Chào đón các doanh nghiệp quốc tế đến với sân chơi mới
Nhà máy sản xuất các mặt hàng tem nhãn mác, bao bì, phụ liệu trang trí cho ngành dệt may, da giày mới của Avery Dennison RBIS ở khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An hiện đang sử dụng công nghệ in ấn tiên tiến nhất hiện nay. Đây là nhà máy chuyên cung cấp nhãn mác cho các thương hiệu lớn thế giới như Nike, Adidas.
Nhà máy này đã đi vào hoạt động từ tháng 1/2016, với năng lực sản xuất khoảng 10.000 nhãn mác/giờ. Nhãn mác do Avery sản xuất được in các thông tin về giá, chất liệu làm nên sản phẩm. Các loại nhãn mác này sẽ được Avery được chuyển đến các xưởng chuyên sản xuất trang phục thể thao ở những vùng lân cận. Hiện năng lực sản xuất của nhà máy mới ở Long An đang gấp đôi so với nhà máy được Avery xây dựng trước đó ở Bình Dương.
Ông Rishi Pardal, Phó Chủ tịch và Tổng Giám đốc Avery Dennison RBIS Khu vực Bắc Á, nhận định, Việt Nam sẽ thay thế Trung Quốc để trở thành trung tâm chính cho hoạt động xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường phương Tây và Nhật Bản.
Tập đoàn Panko của Hàn Quốc cũng đã cho khởi công xây dựng một nhà máy mới đặt tại tỉnh Quảng Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 100 triệu USD. Panko hiện đang phải chạy đua để đáp ứng với ngày càng nhiều các đơn đặt hàng đến từ các thương hiệu đồ may mặc lớn trên thế giới, trong đó có cả thương hiệu thời trang Uniqlo nổi tiếng của Nhật Bản.
Ông Choi Jae Ho, Giám đốc Công ty TNHH Panko Vina (Việt Nam), cho biết, doanh thu của Panko đã tăng đến 30% trong năm ngoái, triển vọng năm nay, mức tăng cũng sẽ được mở rộng với tỷ lệ tương tự.
Trung Quốc vẫn đang giữ vị trí thống lĩnh trong ngành kinh doanh đồ may mặc châu Á, với tổng kim ngạch xuất khẩu ngành này lên đến 30 nghìn tỷ yên (275 tỷ USD) vượt xa kim ngạch xuất khẩu dệt may hàng năm của quốc gia đứng thứ hai là Ấn Độ với 5 nghìn tỷ yên (45,6 tỷ USD). Tuy nhiên, chi phí lao động tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua đang đe dọa vị thế của Trung Quốc trong khu vực.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Trung Quốc đã giảm xuống trong năm ngoái, lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua, báo hiệu các nhà sản xuất đang tìm kiếm các quốc gia khác có chi phí nhân công thấp hơn để thay thế.
Việt Nam rõ ràng có tiềm năng để trở thành mối đe dọa nghiêm trọng với vị thế của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may. Ngoài lợi thế nhân công giá rẻ (thấp hơn Trung Quốc gần 60%), các điều khoản trong Hiệp định TPP dự kiến có hiệu lực từ năm 2018, sẽ thúc đẩy hơn nữa khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Lấy ví dụ đơn giản như với Mỹ, các điều khoản của TPP sẽ cho phép loại bỏ ngay lập tức trung bình từ 20% đến 70% thuế quan đánh vào hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường này. Bên cạnh đó, con đường để Việt Nam trở thành một “cường quốc xuất khẩu mới” còn có thể được “chắp cánh” thêm bằng Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) - hiệp định hiện đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng.
Công ty chuyên cung cấp thuốc nhuộm và hoá chất trong ngành dệt may, Huntsman Textile Effects thuộc Tập đoàn Huntsman có trụ sở tại Mỹ, cũng đang tìm cách để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới ở Việt Nam sau các hiệp định thương mại. Trước đây, khi nhận được đơn hàng, Huntsman Textile Effects thường phải mất từ 2 - 3 tuần để vận chuyển thuốc nhuộm vải, sợi từ nhà kho ở Thái Lan đến tay khách hàng Việt Nam. Cho đến năm ngoái, Huntsman đã giải quyết vấn đề trên bằng cách cho mở cửa một kho ngoại quan tại khu công nghiệp Long Bình, tỉnh Đồng Nai, từ đó giảm thời gian giao hàng xuống chỉ còn 4 ngày làm việc.
Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn chưa gia nhập TPP, các doanh nghiệp dệt may Đại lục cũng đang tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động tại Việt Nam. Tập đoàn Texhong Textile Group, một trong những nhà sản xuất dệt may lớn của Trung Quốc, đã chi 600 triệu nhân dân tệ (92,6 triệu USD) để xây dựng một nhà máy sản xuất có diện tích khoảng 570.000 km2 đặt tại Quảng Ninh.
Hiện tại, Texhong cùng một đối tác Hồng Kông khác chuyên về sản xuất hàng dệt kim đang lên kế hoạch để xây dựng một khu phức hợp sản xuất, bán hàng tại Việt Nam, bắt đầu từ các sản phẩm sợi.
Ông Hong Tian Zhu, Chủ tịch Tập Đoàn Texhong cho biết công ty sẽ tìm cách để trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực này tại Việt Nam. Ông cũng khẳng định Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP.
Công ty Pou Chen của Đài Loan hiện là nhà sản xuất gia công da giày lớn nhất trên thế giới. Công ty này chuyên cung cấp hàng hóa cho 2 hãng nổi tiếng là Nike và Adidas cùng nhiều thương hiệu lớn khác. Pou Chen hiện cũng đang tích cực mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2015, 42% tổng khối lượng sản phẩm của Pou Chen được sản xuất tại Việt Nam, vượt xa mức 25% sản xuất ở Trung Quốc. Đối thủ cạnh tranh của Pou Chen là Feng Tay cũng có đến 51% tổng sản lượng trong quý I/2016 được sản xuất tại Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành dệt may Việt Nam giai đoạn 2014 - 2015 đạt 5,7 tỷ USD.
Khó khăn, thách thức
Ngoài những lợi thế kể trên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định trên con đường trở thành “người khổng lồ” ngành dệt may toàn cầu.
Mức lương tối thiểu ở Việt Nam đang tăng ở mức 2 con số cùng với ngành công nghiệp hóa dầu kém phát triển đang hạn chế năng lực sản xuất của Việt Nam. Nếu muốn hiện thực hóa tham vọng của mình, Việt Nam cần phải nhanh chóng cơ cấu lại ngành công nghiệp khi hoạt động xuất khẩu hàng dệt may vẫn đang duy trì được khả năng cạnh tranh về giá.
Theo baohatinh.vn