Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 6 đầu năm chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015.
Doanh nghiệp may nội địa gặp khó trong việc tìm đơn hàng mới. Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên-TTXVN
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng dệt may 6 tháng có tăng so cùng kỳ, tuy nhiên số liệu tăng này chủ yếu đến từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi các doanh nghiệp ngành dệt may nội địa đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới, đặc biệt là các đơn hàng sơ mi, quần áo jăckét.
Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 6 đầu năm chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015; giá trị 12,8 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó, xuất khẩu xơ sợi đạt 1,3 tỷ USD, hàng dệt may đạt 10,6 tỷ USD, vải mành và vải kỹ thuật đạt 0,2 tỷ USD.
Xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường chủ đạo đều đạt mức tăng trưởng dương về kim ngạch. Cụ thể, xuất sang Hoa Kỳ tăng 5,93%, đạt 4,29 tỷ USD, chiếm 49,76% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; xuất sang Nhật Bản tăng 2,93%, đạt 1,04 tỷ USD, chiếm trên 12%; xuất sang Hàn Quốc tăng 15,58%, đạt 764,9 triệu USD, chiếm 8,87%.
Tuy nhiên theo phản ánh cho thấy, một số doanh nghiệp lớn có nhiều khách hàng quen thuộc cũng chưa có đủ đơn hàng cho đến cuối năm.
Ông Phí Việt Trịnh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May Hồ Gươm cho biết, đơn hàng bị hụt ngay trong quý I, đến quý II đơn hàng có nhưng không dồi dào như những năm trước. Cùng với đơn hàng khó khăn, đơn giá xuất khẩu không tăng thậm chí giảm. Hơn nữa giá nhân công ngành may của Việt Nam “không còn rẻ”. Các chi phí đầu vào như lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội tăng cao càng khiến doanh nghiệp gặp khó. Mục tiêu đạt 3,1 tỷ của ngành là khó khả thi.
Chuyên gia trong ngành dệt may phân tích, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt khoảng 6% nhưng doanh thu chỉ tăng 3% cho thấy sự cạnh tranh quyết liệt về giá. Riêng ngành sợi, thời gian qua cũng rất khó khăn do giá xuất khẩu sợi giảm mạnh nhưng giá nguyên liệu đầu vào là bông lại tăng.
Từ nay đến cuối năm, tình hình cũng không khả quan khi một số doanh nghiệp may cho biết đơn hàng không dồi dào, và tình hình này có thể kéo dài đến cuối năm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10 cho biết, tình hình 6 tháng cuối năm không khả quan, chưa kể tác động từ việc Anh rời EU, khiến cho hàng dệt may sang thị trường này có giá không cạnh tranh.
Trước tình tình khó khăn như hiện nay Hiệp hội Dệt May Việt Nam đưa ra khuyến cáo với các doanh nghiệp cần theo dõi tình hình để tìm giải pháp ứng phó phù hợp. /.
Theo bnews.vn