KTĐT - Những năm gần đây, sản phẩm của các DN dệt may Việt Nam đã chiếm được lòng tin người tiêu dùng, qua đó “đánh bật” hàng giá rẻ, chủ yếu từ Trung Quốc, khỏi thị trường nội địa. Đáp ứng nhu cầu Dạo qua các thị trường kinh doanh quần áo thời trang cho thấy, hầu hết các cửa hàng đều treo biển hiệu “Made in Việt Nam” và thu hút lượng lớn khách đến mua sắm. Hàng may sẵn Việt Nam đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc khác nhau: Từ quần áo trẻ em đến người lớn, quần áo nam, nữ, thời trang dạo phố, công sở… Không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp người có thu nhập trung bình khá, sản phẩm quần áo may sẵn còn đưa ra thị trường dòng sản phẩm dành cho người có thu nhập cao như nhãn hàng Việt Tiến, Việt Thắng, Mattana, Owen, Elise, NEM… Thương hiệu Canifa tuy mới chỉ đưa sản phẩm ra thị trường hơn 10 năm nay nhưng đến nay thương hiệu này đang “làm mưa, làm gió” trên thị trường thời trang len, sợi. Điểm mạnh của Canifa là giá cả hợp lý, chất lượng khá tốt, có nhiều mẫu mã để người tiêu dùng lựa chọn. Hay như thương hiệu PT2000 có thể coi là thương hiệu thời trang được giới trẻ nhắc đến nhiều nhất, bởi PT2000 có phong cách thời trang riêng biệt, nhiều mẫu mã chỉ bán ở hệ thống PT2000. Các sản phẩm chủ lực của thương hiệu PT2000 là áo phông, áo sơ mi, thắt lưng… đều hướng tới sự năng động, hiện đại và mạnh mẽ, trong khi giá cả hợp lý, phù hợp với giới trẻ.
Cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Tổng Công ty may Nhà Bè. Ảnh: Hoài Nam
Ở phân khúc thời trang trẻ em, nhiều nhãn hàng đã xác lập được thương hiệu như: Việt Thy Kids, Sanding, Kids & Kico, YF, A&T, Pencil... Để có được kết quả đáng ghi nhận này, các DN dệt may đã không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã sản phẩm, củng cố và phát triển thương hiệu, mở rộng kênh phân phối để chiếm lĩnh thị trường nội địa. Hầu hết người tiêu dùng khi nói đến sản phẩm dệt may Việt Nam đều có chung đánh giá mặc dù đắt hơn hàng Trung Quốc 10 - 15% nhưng sản phẩm Việt Nam khá bền, mẫu mã không thua kém. Đại diện Công ty CP thời trang Elise cho biết: Nhãn hiệu thời trang Elise sau 5 năm có mặt trên thị trường, đã được người tiêu dùng đón nhận, qua đó công ty mở 34 chi nhánh trên cả nước. Thế mạnh của sản phẩm Elise được tạo nên từ sự kết hợp giữa chất lượng vải, thiết kế và kỹ thuật may của người Việt, đồng thời liên tục đưa ra các chương trình đồng giá, giảm giá cho khách hàng. Ngoài ra, các dòng sản phẩm của Elise giá bán không quá cao, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Cụ thể quần áo trẻ em giá từ 168.000 - 398.000 đồng/chiếc, người lớn từ 798.000 - 848.000 đồng/chiếc, váy đầm từ 1,6 - 1,8 triệu đồng/chiếc. Vay mượn nhãn hiệu ngoại Mặc dù các nhãn hiệu thời trang Việt Nam đã được nhiều người tiêu dùng tín nhiệm, song có một thực tế là hầu hết các nhãn hiệu này đều lấy tên nước ngoài để quảng bá sản phẩm. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong thời gian qua, mặc dù sản phẩm dệt may của Việt Nam không thua kém hàng ngoại nhập, nhưng ngày càng nhiều DN sử dụng nhãn hiệu ngoại thông qua việc chuyển nhượng. Cụ thể, Tổng Công ty May An Phước với nhãn hiệu Pierre Cardin, Tổng Công ty Việt Tiến với Manhattan, Tổng Công ty May Nhà Bè cũng nhận nhượng quyền hàng loạt thương hiệu thời trang có tiếng, như Osca dela, Renta, Aoyama, Ann Taylor, Calvin Klein…Về vấn đề này, đại diện Tổng Công ty May Việt Tiến cho biết: Manhattan là thương hiệu thời trang cao cấp thuộc Tập đoàn Perry Ellis International và Perry Ellis International Europe của Hoa Kỳ đã nhượng quyền cho Việt Tiến sử dụng với mức giá 36.000 USD/năm. Công ty CP Thời trang Kowil Việt Nam (thuộc Tập đoàn Phú Thái) dù không nhận nhượng quyền nhưng lại “Tây” hóa tên gọi các dòng sản phẩm thời trang như Winny, Owen, Wonnerful, Fila … Theo các DN ngành dệt may, sở dĩ các DN trong nước phải sử dụng nhãn hiệu ngoại gắn lên hàng nội là do chưa có ngành công nghiệp thời trang phát triển độc lập và chuyên nghiệp. Ngay cả Viện mẫu thời trang FADIN là một thành viên của Vinatex đã hoạt động khá lâu nhưng cũng không đóng góp được nhiều cho lĩnh vực thời trang. Theo bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương: Mặc dù việc sử dụng nhãn hiệu ngoại sẽ có tác dụng giúp DN tiêu thụ sản phẩm, nhưng điều đó cũng cho thấy chính bản thân DN lại “quên” xây dựng nhãn hiệu hàng hóa thuần Việt. Để khắc phục bất cập này, bà Hồ Thị Kim Thoa cho rằng: DN phải thường xuyên tìm hiểu tâm lý thị hiếu người tiêu dùng, định hướng cho người tiêu dùng và phải có những minh chứng chứng tỏ hàng Việt không thua kém hàng ngoại nhập. Đồng thời chính bản thân DN thời trang nên đưa tính dân tộc sản phẩm vào trong quá trình thiết kế mẫu mã. Ngoài ra, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thời trang không chỉ bán lẻ các sản phẩm sẵn có mà còn phải làm cầu nối định hướng về thời trang giữa nhà sản xuất và tiêu dùng.
Theo kinhtedothi.vn |