Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo quốc tế Công nghiệp dệt may Việt Nam và bước ngoặt hội nhập lớn.
Ngành dệt may Việt Nam đang đứng top 3 thế giới về năng suất lao động kĩ thuật. Ảnh: Nguyễn Huế.
Năng lực cạnh tranh lớn
Liên quan đến vấn đề quản trị thể chế, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách cũng cho rằng, để hiện thực hóa cơ hội hội nhập, ngoài sự nỗ lực của DN, Nhà nước cần thay đổi thể chế tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, đồng thời đưa ra các chính sách tốt để DN phát triển…
Nhận định về năng lực cạnh tranh của ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định, ngành dệt may Việt Nam có năng lực cạnh tranh rất lớn trên thị trường thế giới ngay cả khi chưa được hưởng ưu đãi về thuế từ các FTA. Bằng chứng là trong suốt giai đoạn 2007-2014, trong khi tốc độ tăng trưởng XK dệt may của các nước trên thế giới đều giảm thì Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng 10%. Đây hoàn toàn là nhờ vào năng lực cạnh tranh của ngành vì nếu xét về năng suất lao động kĩ thuật, ngành dệt may của Việt Nam đạt mức tiên tiến ở top 3 của thế giới. Nếu không có nội lực thì ngành dệt may sẽ không thể tăng trưởng trong tình hình thị trường thế giới gặp khó khăn.
Liên quan đến vấn đề quản trị thể chế, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách cũng cho rằng, để hiện thực hóa cơ hội hội nhập, ngoài sự nỗ lực của DN, Nhà nước cần thay đổi thể chế tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, đồng thời đưa ra các chính sách tốt để DN phát triển…
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với TPP và FTA Việt Nam-EU vấn đề đặt ra cho ngành dệt may là về cung cấp nguyên liệu. Tính đến năm 2015 để XK được 27 tỷ USD, Việt Nam phải nhập mất 14 tỷ USD nguyên, phụ liệu. Trong 13,5 tỷ USD trong nước có 6 tỷ USD là chi phí lao động, còn lại hơn 7 tỷ USD nguyên phụ liệu đã được nội địa hóa. Mặc dù vậy, xét trong tất cả các ngành sản xuất công nghiệp chế biến thì tỉ trọng kim ngạch XK trên tỉ trọng NK nguyên phụ liệu của ngành dệt may vẫn đang ở mức cao nhất. Điều đó có nghĩa là xét trên mặt bằng của nền kinh tế Việt Nam thì ngành dệt may vừa có năng lực cạnh tranh tốt nhất tại thị trường thế giới vừa là ngành có thặng dư cao nhất với mức thặng dư đạt 13-14 tỷ USD/năm. Đó cũng là lí do để ngành dệt may được lựa chọn là lợi ích cốt lõi khi đàm phán TPP.
Đánh giá cao sức cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam, giáo sư Mustafiz Rahman, chuyên gia kinh tế cao cấp của Bangladesh cho biết, hiện Bangladesh đang đứng thứ 2 thế giới về XK hàng dệt may, tuy nhiên khi TPP có hiệu lực, thuế NK hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ giảm về 0% trong khi Bangladesh là 17%, cùng với đó thuế NK hàng dệt may của Việt Nam vào EU cũng sẽ giảm về 0% bằng mức thuế suất mà Bangladesh đang được hưởng tại thị trường này. Điều này sẽ làm giảm lợi thế của hàng dệt may của Bangladesh vào Mỹ và EU.
Tương tự ông Gatot Arya Putra, chuyên gia cao cấp Indonesia cho biết, Việt Nam đang là đối thủ cạnh tranh lớn của Indonesia. Trong diễn biến xấu của kinh tế châu Âu, Trung Quốc, Mỹ đang là đầu tàu duy nhất cho hoạt động XK dệt may của các nước. Đây cũng là lí do khiến Indonesia tuyến bố sẽ tham gia vào TPP khi Việt Nam đã tham gia vào khu vực.
Nặng gánh thể chế quản trị
Lợi ích cốt lõi, năng lực cạnh tranh là có thật, tuy nhiên theo ông Lê Tiến Trường, ngành dệt may còn yếu ở khâu đầu vào nguyên liệu. Đây là thử thách rất lớn cho DN trong nước. Cụ thể nếu đầu tư một vị trí làm của một công nhân may chỉ cần 3.000 USD nhưng để đầu tư một vị trí công nhân sợi thì cần mất tới 200.000 USD. Suất đầu tư này đối với DN vừa và nhỏ ở khu vực tư nhân là hết sức căng thẳng. Hiện Việt Nam đang phải nhập vào 7 tỷ mét vải một năm để lo sản xuất XK. Để thay thế được khu vực này thì vốn đầu tư cho dệt nhuộm cần khảng 15 tỷ USD. Đối với khu vực DN trong nước đây thực sự là thách thức. Bên cạnh thách thức về nguyên liệu, theo ông Lê Tiến Trường, thể chế quản trị và vấn đề liên kết giữa các DN cũng là rào cản của ngành dệt may. Trong đó vấn đề quan trọng nhất, nặng nề nhất đối với các DN hiện nay là thể chế quản trị. Trên thực tế, hiện nay trong bảng chi phí giá thành của các DN dệt may đang có vô số chi phí quản trị công. DN có “thắt lưng buộc bụng” tăng năng suất cũng chỉ quản trị được phần chi phí của chính mình còn chi phí quản trị công thì không thể làm gì được trong khi giá bán ra thế giới lại là tổng hợp của hai chi phí này. Do vậy, trong tình hình hiện nay nếu Nhà nước không có các biện pháp quản trị về thể chế một cách hiệu quả để giảm được giá thành quản trị công trên một đơn vị sản phẩm thì dù có được giảm thuế, hay miễn thuế thì DN vẫn không thể nâng được sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Bên cạnh thể chế quản trị, việc thiếu liên kết giữa các DN cũng là điểm đáng lo ngại của các DN dệt may. Hiện nay Hiệp hội Dệt may Việt Nam có khoảng 700 thành viên nhưng có tới 500 hội viên không quan tâm đến việc xây dựng tổ chức Hội, việc chia sẻ thông tin, giúp đỡ nhau cùng phát triển cũng rất hạn chế. Việc thiếu liên kết của các DN ngay trong một Hiệp hội cho thấy các DN chưa có tác phong làm việc theo chuỗi trong khi tất cả các Hiệp định đều đặt vấn đề về chuỗi liên kết. “Nếu các DN có thể liên kết chặt chẽ với nhau thì vẫn mạnh hơn bất cứ DN FDI nào vì DN nước ngoài nếu có đầu tư vào nguyên liệu muốn hưởng lợi ích từ ưu đãi thuế thì vẫn phải may ở Việt Nam. Nếu các DN Việt Nam liên kết để làm giá tốt thì chắc chắn “cái bánh” được chia vẫn hợp lí, vẫn vừa sức về tiền bạc, quản lí vẫn tạo việc làm và không gây thiệt hại gì về kinh tế”, ông Trường nhấn mạnh
Theo baohaiquan.vn