Thông tin và tạo dựng hệ thống thương vụ (hay hệ thống "chân rết") là 2 yếu tố quan trọng để các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hoàn thành nhiệm vụ cũng như trở thành cầu giao thương vững chắc cho doanh nghiệp.
Thông tin thị trường là "đơn hàng" các doanh nghiệp đặt hàng các tham tán thương mại. Ảnh: Danh Lam.
Còn thờ ơ?
"Thờ ơ, qua loa..." là nhận xét của một số doanh nghiệp về hoạt động của các thương vụ Việt Nam trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp về thông tin thị trường, khách hàng.
Không phủ nhận phản ánh này nhưng ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) giải thích thêm, trên thực tế, có những thương vụ coi công việc chính của thương vụ là việc được “cấp trên”- Bộ Công Thương- giao, còn việc hỗ trợ doanh nghiệp chỉ là phụ.
Song cũng đã có thời gian công tác tại thương vụ, ông Hải nhận thấy khối lượng công việc liên quan đến Bộ chỉ chiếm 30%. Do vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin, thị trường các thương vụ cần chú ý hơn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng như hiện nay.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác thương vụ, chia sẻ tại Hội nghị Tham tán 2016 được tổ chức ngày 17-2, ông Nguyễn Bảo, Tham tán Công sứ Thương vụ Việt Nam tại Campuchia chia biết: “Tôi thấy công tác thương vụ có 2 yếu tố quan trọng là thông tin và tạo dựng hệ thống thương vụ. Nếu không làm được thì hiệu quả hoạt động của thương vụ sẽ hạn chế”.
Có thể thấy, việc cung cấp thông tin và thông tin xuyên suốt giữa các cơ quan quản lý là vấn đề rất quan trọng với doanh nghiệp. Song theo ông Bảo, việc chia sẻ thông tin giữa các vụ, cục để cung cấp đến doanh nghiệp đôi khi gặp trục trặc.
“Có những thông tin gửi về cho các vụ, cục nhưng cũng không nhận được phản hồi. Đơn cử, với mặt hàng gạo, chúng tôi đã gửi liên tục 2 báo cáo trong 1 tháng về mặt hàng này nhưng phía Cục Xuất nhập khẩu cũng không xác nhận lại với chúng tôi là đã nhận được hay chưa”, ông Bảo chia sẻ.
Với việc tạo dựng hệ thống thương vụ hay nói cách khác là hệ thống “chân rết” là một vấn đề khó khăn cho những người làm tham tán, nhất là khi nhiệm kỳ chỉ có 3 năm.
Chia sẻ thông tin
Theo ông Hải, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, cơ hội thị trường, gia tăng xuất khẩu sẽ nhiều hơn. Nhưng để tận dụng được cơ hội này thì vai trò của các tham tán thương mại có ý nghĩa rất quan trọng.
Do vậy, vị đại diện của Cục Xuất nhập khẩu kiến nghị, cần tăng cường chia sẻ thông tin giữa các đơn vị trong khối ngoại thương của Bộ (Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại...), các đơn vị trong nước chủ động cung cấp thông tin cho các thương vụ, tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các thương vụ với các hiệp hội, địa phương.
Phía các thương vụ cần chú trọng công tác tháo gỡ rào cản, nhất là những rào cản chính với một số mặt hàng như hàng nông sản, khai thông thị trường, có bước phòng bị từ xa, tránh để hàng hóa Việt Nam bị áp dụng các hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển “thị trường” cho hệ thống thương vụ, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cho biết: Chúng tôi xây dựng đội ngũ cộng tác viên, đối tác là người Pháp, Việt kiều, doanh nghiệp tại Pháp, sinh viên Việt Nam tại Pháp. Ở Pháp chúng tôi có nhiều thuận lợi hơn như nhiều Việt kiều, nhiều người giỏi có quan hệ tốt với người sở tại, quan chức sở tại. Nếu mở rộng được đối tượng này thì hoạt động thương vụ sẽ có hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Niệm, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga, thương vụ chỉ là cơ quan, bộ phận chắp nối tạo điều kiện cho doanh nghiệp, kênh cung cấp thông tin thị trường hỗ trợ doanh nghiệp chứ không phải là cơ quan đi tìm khách hàng cho doanh nghiệp.
“Cung cấp thông tin là việc quan trọng, nhưng chúng tôi không thể thay doanh nghiệp trong việc tìm kiếm khách hàng. Nếu doanh nghiệp chỉ ngồi nhà có thị trường thị trường thì bình thường, còn ngồi nhà mà có khách hàng qua thương vụ là rất khó”, ông Niệm cho hay.
Theo baohaiquan.vn