Cạnh tranh bình đẳng thì cả DNNN và DNTN mạnh lên và cạnh tranh hơn, đồng thời cũng tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng Việt Nam
Các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cho rằng, thời điểm Hiệp định TPP được thực thi đang đến gần. Doanh nghiệp là lực lượng tiên phong trực tiếp “chơi” trên sân chơi toàn cầu đầy cơ hội mà cũng lắm thách thức này. Trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân có số lượng hùng hậu, nhưng còn đang lép vế nhiều mặt. Muốn khai thác lợi thế từ TPP, Việt Nam cần tạo sân chơi bình đẳng thực sự giữa doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Doanh nghiệp tư nhân đang chịu nhiều bó buộc
Ông Sandeep, kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đánh giá rằng, cơ hội về lợi ích của hội nhập mang lại cho Việt Nam là rất đáng kể. Vấn đề đặt ra là Việt Nam sẽ khai thác được bao nhiêu lợi ích từ hội nhập? Trả lời câu hỏi này, theo ông Sandeep, lực lượng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, trong đó doanh nghiệp tư nhân là lực lượng rất quan trọng. Việt Nam cần phải có những thay đổi, cải cách để giúp doanh nghiệp tư nhân thực sự tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.
DNTN trong nước đang còn nhiều khó khăn trong cạnh tranh (Ảnh minh họa: KT)
Thực tế hiện nay, theo quan sát của vị chuyên gia của WB này, doanh nghiệp tư nhân trong nước đang chịu nhiều bó buộc. Nhất là họ đang phải cạnh tranh trong môi trường kinh doanh mà có sự méo mó trong phân bổ tín dụng, đất đai và những ưu đãi thường ưu ái nhiều hơn cho khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI.
Thông tin tại Diễn đàn Đối tác phát triển sáng nay, báo cáo đề dẫn có nêu một thực tế rằng, nguồn lực của nền kinh tế đang bị định hướng đến những hoạt động không hiệu quả.
Cụ thể, DNNN đang nhận được nhiều đầu tư từ ngân sách và một phần rất lớn tín dụng doanh nghiệp. Ước tính, khu vực doanh nghiệp này còn sử dụng khoảng 70% diện tích đất kinh doanh. Nhưng đổi lại, nhiều DNNN hoạt động với năng suất thấp, thua lỗ hoặc lãi không đáng kể.
Trong khi đó, sau 30 năm xây dựng nền kinh tế thị trường, khu vực DNTN của Việt Nam vẫn yếu và mong manh. 97% DNTN trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều đáng lo hơn là khi các DNTN gia tăng quy mô họ lại kém hiệu quả hơn. Nghiên cứu của WB cho thấy, doanh thu trên tài sản và doanh thu trên lao động của các doanh nghiệp có trên 300 nhân công lại thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp có dưới 100 nhân công.
Dẫu vậy, riêng khu vực DN vừa và nhỏ với khoảng trên 500.000 doanh nghiệp (chiếm 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động), hằng năm đóng góp khoảng 40% GDP, thu hút 51% lực lượng lao động của cả nước, tạo thêm 1 triệu việc làm mới mỗi năm. Trong nền kinh tế, khu vực doanh nghiệp này hiện được đánh giá đóng vai trò tích cực là 1 trong 4 động lực tăng trưởng, có tốc độ phát triển nhanh chiếm tỷ trọng lớn; là nhân tố chủ đạo về tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động; là trụ cột của kinh tế địa phương, đóng góp quan trọng vào việc cung ứng hàng hóa, thu ngân sách; góp phần không nhỏ trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của đất nước.
Quản trị kém, DNNN dễ có những quyết định kinh doanh tồi
Những con số trên thể hiện sự mất cân đối trong phát triển của DNNN và DNTN, sự lép vế của DNTN hiện rõ. Một trong những nguyên nhân chính của thực trạng trên, theo WB, là do sự kiểm soát trực tiếp của nhà nước đối với các yếu tố đầu vào chính và sự can thiệp vào nền kinh tế bằng sở hữu và các biện pháp hành chính.
“Khi hội nhập, nhất là TPP, càng cần lưu ý vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước tiếp tục chiếm ưu thế hơn doanh nghiệp tư nhân trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, những công ty không có sức cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng. Các công ty này với điều kiện và cơ hội cần thiết, sẽ đạt mức tăng trưởng hiệu quả và bền vững hơn cho Việt Nam. Nếu thiếu đi các cơ hội và điều kiện phát triển đó, Việt Nam sẽ gặp phải nguy cơ các lĩnh vực sản xuất do nước ngoài phát triển sẽ trở thành lĩnh vực then chốt của nền kinh tế”- Ông David W. Carter, Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam.
Hiện nay, tổng vốn nhà nước ở trong các DNNN có giá trị khoảng 55 tỷ USD và tổng giá trị tài sản các DNNN nắm giữ khoảng 130 tỷ USD. Ngoài hơn 800 DNNN chưa cổ phần hóa, Chính phủ đang giữ phần vốn chi phối tại nhiều DNNN đã cổ phần hóa, những doanh nghiệp này chưa có những thay đổi thực chất về quản trị doanh nghiệp. Đặc biệt, “quản trị, giám sát và cơ chế khuyến khích yếu đã để các DNNN tiếp tục có những quyết định kinh doanh tồi khiến năng suất trung bình của nền kinh tế giảm đi”- báo cáo nhấn mạnh.
Nhà nước vẫn nắm độc quyền và ấn định giá ở những yếu tố đầu vào như năng lượng và đất. Điều này đang tạo ra các tín hiệu thị trường sai lệch về chi phí cơ hội của nguồn lực và do đó nhiều quyết định đầu tư không hiệu quả vẫn được thực hiện, ảnh hưởng xấu đến tổng thể của kết quả của nền kinh tế.
Ở nhiều lĩnh vực khác, DNNN vẫn có vai trò thống lĩnh và có thể dễ dàng bóp nghẹt cạnh tranh, ví dụ như trường hợp Vinafood I và Vinafood II ở thị trường xuất khẩu gạo.
Trong khi đó, đối với lực lượng DNTN, theo WB, yếu kém của họ một phần do tính không ổn định và không nhất quán của môi trường thể chế. Theo khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện cũng cho thấy, chỉ 11% doanh nghiệp đồng ý rằng, chính sách, pháp luật của trung ương là có thể dự đoán được. Điều này gây ra chi phí lớn cho doanh nghiệp khi tìm hiểu và tuân thủ pháp luật. Đã thế, những thay đổi nhanh chóng trong chính sách thuế, ví dụ như thuế tài nguyên, làm cho nhiều doanh nghiệp phải chịu lỗ vì họ không thể điều chỉnh kế hoạch kinh doanh kịp thời.
Buộc các DNNN thương mại phải tuân thủ kỷ luật thị trường
Trước thực trạng này, khi hội nhập đang ngày càng gần, cạnh tranh ngày càng tăng, các đối tác phát triển của Việt Nam khuyến nghị: Việt Nam cần cải thiện hơn nữa tự do hóa kinh doanh; coi tự do kinh doanh là thiết yếu cho tăng trưởng và thịnh vượng. Phải ưu tiên chính sách cạnh tranh như một trụ cột trung tâm của kinh tế thị trường. Chính phủ nên thu hép các lĩnh vực Nhà nước cần đầu tư nhằm tạo ra không gian lớn hơn cho khu vực tư nhân phát triển, đặc biệt trong cung cấp dịch vụ và hạ tầng. Ở đâu đầu tư nhà nước là không cần thiết, Chính phủ nên rút lui hoàn toàn khỏi các hoạt động thương mại và đầu tư phần vốn thu lại vào những lĩnh vực cần đầu tư hơn, như hạ tầng, giáo dục, y tế. Tách bạch các DNNN công ích khỏi các DNNN thương mại. Buộc các DNNN thương mại phải tuân thủ kỷ luật thị trường để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các DNTN để họ hoạt động hiệu quả hơn.
Suy cho cùng, điều này sẽ là cả DNNN và DNTN mạnh lên và cạnh tranh hơn, đồng thời cũng tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng Việt Nam./.
Theo vov.vn