Dệt may không dễ nắm bắt cơ hội từ TPP

Nếu như trong Hiệp định thương mại ASEAN với các nước (trừ Hàn Quốc), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đều có quy tắc “xuất xứ từ vải” thì với TPP, các doanh nghiệp ngành dệt may sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Để hưởng được ưu đãi này thì ngành dệt may Việt Nam sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn và thách thức.

ÁP LỰC TỪ QUY TẮC XUẤT XỨ


Nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may hiện vẫn chưa thể đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”theo quy định của TPP. Đây là thách thức đối với xuất phát điểm của ngành dệt may đang yếu ở khâu nguồn, tức là nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may và đang lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Mối lo yếu “từ sợi trở đi”

Khi tham gia TPP, dệt may là ngành có thị trường rộng hơn và mức độ giảm thuế về 0% nhanh hơn là cơ hội rất lớn để ngành dệt may đẩy mạnh xuất khẩu. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, để hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định TPP, các DN ngành dệt may sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Tức là tất cả nguyên liệu của quá trình sản xuất từ sợi trở đi phải được sản xuất tại các nước tham gia TPP. Mặt tích cực của quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” là sẽ khuyến khích các DN đầu tư vào công nghiệp dệt, giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm may xuất khẩu và giúp ngành dệt may phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, thực tế là rất nhiều DN ngành dệt may chưa chủ động được về nguồn nguyên liệu.

Anysew.vn_Dệt may không dễ nắm bắt cơ hội từ TPP


Công ty Dệt Hà Nam đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt dây chuyền xe sợi xuất khẩu hiện đại. Ảnh: Trần Việt – TTXVN

80% nguyên phụ liệu từ vải, bông, khóa cài áo… của Công ty cổ phần thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy (tỉnh Nam Định) đều nhập khẩu từ Trung Quốc do có nhiều ưu điểm như giá rẻ, vận chuyển đơn giản, phong phú về mẫu mã. Song khi Việt Nam đã tham gia TPP mà DN vẫn làm theo cách này thì sẽ không đáp ứng tiêu chí xuất xứ của TPP và khả năng hưởng lợi là không có. Ông Phan Minh Chính, Tổng giám đốc công ty cho biết: Đầu tư vào nguyên phụ liệu dệt may đòi hỏi vốn lớn và công nghệ cao. Bên cạnh đó, những vấn đề về đất đai, môi trường cũng đang là những nút thắt. Bởi, các địa phương thường không mặn mà khi đón nhận các dự án đầu tư vào lĩnh vực nguyên phụ liệu ngành dệt may.

Tổng Công ty CP Phong Phú đang triển khai thực hiện các dự án sợi, dệt, nhuộm của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực cung ứng một số sản phẩm nguyên phụ liệu như sợi, vải, khăn bông… Ông Phạm Xuân Trình, Tổng Giám đốc cho biết, trong 10 năm qua, các doanh nghiệp ngành dệt may chủ yếu chú trọng đầu tư ngành may còn với ngành dệt nhuộm lại khá cầm chừng. Để tận dụng cơ hội ưu đãi xuất xứ từ TPP, Phong Phú đặt mục tiêu sẽ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa với nhiều sản phẩm chủ chốt. Cụ thể, với sản phẩm sợi, nâng từ 23.000 tấn/năm lên 35.000 tấn/năm; vải denim từ 14 triệu mét nâng lên 35 triệu mét; vải dệt kim hiện nay là 2.500 tấn nâng 12.000 tấn/năm trong năm 2020… Đồng thời, liên doanh liên kết để tăng nguồn cung sợi chỉ may cao cấp…

Tuy nhiên, ông Trình cũng thừa nhận, các dự án này có yêu cầu rất cao, cần có nguồn lực con người và công nghệ tương ứng. Riêng việc phát triển dệt nhuộm, cần phát triển theo định hướng, song vấn đề hiện nay là xử lý nước thải như thế nào, bởi tiêu chuẩn của Việt Nam khá cao so với các nước trong khu vực và gần bằng tiêu chuẩn xử lý nước thải của EU nên DN khó đáp ứng. Theo các chuyên gia, mặc dù đã quan tâm đến sản xuất nguyên phụ liệu nhưng thực tế, chúng ta chưa có một ngành công nghiệp nguyên phụ liệu hoàn chỉnh.

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trong suốt thời gian qua, nhất là khi Việt Nam chưa tham gia các FTA, chưa có sự ủng hộ hàng hóa nội khối thì đầu tư cho các sản phẩm nguyên phụ liệu sẽ phải cạnh tranh với nhiều nguồn hàng giá rẻ hơn rất nhiều. Nếu đầu tư sẽ rất khó thu hồi vốn. Do đó, các DN thường không quan tâm đến việc đầu tư cho sản xuất từ nguyên phụ liệu.

Hướng tới chủ động nguyên phụ liệu

Tuy nhiên, sau khi Việt Nam tham gia các FTA, đặc biệt là tham gia TPP, Việt Nam bắt buộc phải chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào ở trong nước để tăng giá trị gia tăng. Hơn nữa, các nhà sản xuất dệt may Việt Nam cũng không thể nhập nguyên liệu từ Trung Quốc nếu muốn hưởng lợi ưu đãi xuất xứ từ TPP.

“Để đáp ứng yêu cầu được hưởng ưu đãi ngay của các DN tại các nước chưa mạnh về công nghiệp dệt, Hiệp định TPP có một danh mục “nguồn cung thiếu hụt”. Theo danh mục này, các DN sẽ có quyền nhập khẩu một số chủng loại vải, sợi từ nước thứ ba (ngoài TPP) để làm ra sản phẩm may mà vẫn được hưởng ưu đãi. Ngoài ra, có một số cơ chế linh hoạt khác để ngành dệt may có thể được hưởng ưu đãi nhiều hơn ngay khi Hiệp định có hiệu lực mà không quá phụ thuộc vào quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

“Trong thời gian tới, chắc chắn các DN dệt may sẽ phải quan tâm đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này để không chỉ hưởng lợi cho bản thân chính ngành đó, mà ngành may cũng được hưởng lợi theo”, ông Lê Tiến Trường cho hay.

Hai 2 năm trở lại đây, vốn đầu tư vào sản xuất nguyên liệu dệt may lên đến con số trên 2 tỷ USD/năm, bằng tổng số vốn thu hút 10 năm trước đó. Hiện nay đầu tư về nguyên phụ liệu cho ngành dệt may chủ yếu đến từ các DN FDI, trong khi đầu tư của các DN trong nước còn hạn chế.

Theo đại diện Hiệp hội Dệt may, khi nguồn lực của các DN dệt may trong nước còn hạn chế thì đầu tư của các DN FDI cũng là tín hiệu đáng mừng. “Chúng ta nên thu hút DN FDI vào những lĩnh vực ta không đủ khả năng, cần học tập kinh nghiệm như nguyên phụ liệu”, ông Nguyễn Xuân Hồng nói.

Bà Đặng Phương Dung, Tổng thư kí Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh trước mắt, các DN trong nước buộc phải chia sẻ lợi ích xuất xứ nguyên liệu của TPP với các DN FDI. Lý do là để đầu tư các dự án nguyên phụ liệu cho ngành dệt may cần rất nhiều vốn, công nghệ cũng như kinh nghiệm quản lý. Điều này là rất khó với các DN Việt Nam trong khi đó, các DN FDI lại có rất nhiều lợi thế trong lĩnh vực này”.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các DN trong nước cũng cần có chiến lược phát triển dài hạn để chủ động đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu. “Với các quy tắc xuất xứ từ TPP, các nhà đầu tư phải tính đến chiến lược dài hạn 30 năm tới để tập trung là sản xuất nguyên liệu. Các nhà đầu tư nước ngoài đã có sự dịch chuyển đến Việt Nam rồi thì bản thân các DN Việt Nam không thể không đón đầu xu thế này. Nhất là khi có các ưu đãi về thuế thì tỷ suất sinh lời từ ngành sản xuất nguyên phụ liệu sẽ cao hơn nhiều. Các DN trong nước cần tính đến việc kết hợp lại để không bị DN ngoại lấn át”, ông Lê Tiến Trường nhận định.

Hiện nay, Nhà nước đã có chỉ đạo chung cho các địa phương tạo điều kiện phát triển dự án ngành công nghiệp nguyên phụ liệu. Riêng TP Hồ Chí Minh cũng vừa thông qua chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đối với DN dệt may. Hiệp hội Dệt may đang đề xuất thành lập Trung tâm nguyên phụ liệu để tập hợp các đầu mối cung ứng nguyên phụ liệu, đáp ứng nhanh yêu cầu của DN.

Để làm được điều đó, Việt Nam phải có hạ tầng khu công nghiệp tốt như quỹ đất lớn, hệ thống xử lý nước thải, cung cấp nước sạch. Đồng thời, những DN kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, nếu được hoạch định về địa điểm đầu tư tốt, sẽ có sự tập trung hóa quản lý các dự án đầu tư dệt may, đặc biệt là dệt nhuộm. Theo ông Nguyễn Hồng Giang, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, cần một quy hoạch phát triển dệt nhuộm tại các địa phương thích hợp. Việc hình thành những cụm công nghiệp dệt nhuộm sẽ giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa, giải quyết phần nào bài toán về nguyên phụ liệu cho ngành dệt may Việt Nam.

                                                                                          Theo baotintuc.vn

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)