Dệt may chủ động đón thị trường


Tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thay vì lo lắng khó cạnh tranh với các doanh nghiệp (DN) ngoại, hàng loạt DN dệt may Việt Nam đã bắt đầu lên kế hoạch tìm nguồn nguyên liệu mới, thị trường mới.

Anysew.vn_Dệt may chủ động đón thị trường

                                                       Dệt may đang gỡ khó trước hội nhập.

Cơ hội mới

Chỉ tính nửa đầu năm 2015, xuất khẩu dệt may sang thị trường các nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chiếm gần 70% trong tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong số các thị trường TPP, xuất khẩu sang Hoa Kỳ luôn đạt giá trị lớn nhất. Chiếm 42% so với tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, ước đạt 5,18 tỷ USD. Nhật Bản đứng thứ hai trong danh sách các nước TPP mà Việt Nam xuất khẩu dệt may, đạt 1,3 tỷ USD.

Dự báo, thời gian tới khi TPP có hiệu lực hàng dệt may Việt Nam vào thị trường các nước thành viên không chỉ tăng về số lượng mà giá trị gia tăng cũng được nâng cao trong chuỗi cung ứng. Thứ trưởng Bộ Công thương - Trần Quốc Khánh khẳng định, hàng xuất khẩu Việt Nam có điều kiện tăng trưởng xuất khẩu khi thuế trên các thị trường đích giảm về 0% như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada giảm xuống. Đặc biệt, dệt may, giày dép - những ngành hàng được lợi ích lớn khi TPP đi vào vận hành.

Tuy nhiên để tận dụng cơ hội cho dệt may trước TPP, DN Việt Nam phải nâng cao giá trị gia tăng vì ngành này tồn tại nhiều yếu điểm chưa thể tháo gỡ. Đơn cử, hiện nay dệt may chỉ có khoảng 5 – 10% lợi nhuận, 25% doanh thu xuất khẩu, 70% là gia công.

Bên cạnh đó, sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đã và đang làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm dệt may. Theo đó, dệt may Việt Nam phụ thuộc nguồn nguyên liệu các nước khá nhiều. 60 – 70% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan…

Sắp tới đây khi TPP có hiệu lực, TPP sẽ yêu cầu rất cao về xuất xứ nguyên liệu. Đây là một thách thức lớn đối với DN dệt may trong nước. Bởi lẽ, quy tắc về xuất xứ  đối với sản phẩm dệt may trong TPP nêu rõ, sản phẩm phải đảm bảo tất cả nguyên liệu như: sợi, vải, nhuộm phải được sản xuất tại các nước thành viên.

Ông Nguyễn Văn Thông, Viện trưởng Viện Dệt may Việt Nam khẳng định: Giá trị cốt lõi của các công ty và các nước đang phát triển sản phẩm dệt may có định hướng xuất khẩu là khả năng xâm nhập được vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua năng lực cạnh tranh. Chính vì thế, đổi mới là yếu tố quan trọng để giành lợi thế cạnh tranh trong chuỗi giá trị nhằm đáp ứng được các yêu cầu của người mua tại các nước nhập khẩu.

Chủ động tìm nguyên liệu chuẩn

Với mong muốn xoay chuyển tình huống theo chiều hướng chủ động và có lợi, ngành dệt may nỗ lực tìm hướng đi mới. Thay vì, phải đối diện với thách thức không nhỏ, DN lên kế hoạch “săn” nguồn nguyên liệu chuẩn. Hướng đến xây dựng các sản phẩm đảm bảo xuất xứ nguyên liệu theo quy định của TPP.

Điển hình, Công ty TNHH MTV (Tổng Công ty 28) tìm phương án hợp tác với một đối tác Nhật Bản (thành viên TPP) để sản xuất nguyên phụ liệu. Theo kế hoạch, Tổng Công ty may 28 ký một hợp đồng hợp tác trong 10 năm với Tập đoàn Sotoh về sản xuất vải len. Sotoh sẽ đầu tư thiết bị, đầu ra cho mặt hàng vải cao cấp, còn Tổng công ty 28 lo phần mặt bằng nhà xưởng và khâu sản xuất. Từ thỏa thuận hợp tác mới, DN này kỳ vọng các thị trường truyền thống thuộc TPP sẽ được nâng lên 60% trong thời gian tới, hiện nay chiếm 30%.

Không chần chừ trong việc chuẩn bị chu đáo để hội nhập, Công ty TNHH Dệt lụa tơ tằm Toàn Thịnh cho biết, ngoài thị trường tiêu thụ trong nước công ty đang xuất khẩu vào các nước Pháp, Đức, Ý, Úc… Để giải quyết bài toàn cho nguồn nguyên liệu chuẩn khi vào thị trường TPP, Toàn Thịnh phải nhập khẩu khẩu len từ WoolMark  - một doanh nghiệp phi lợi nhuận, thuộc sở hữu của hơn 25.000 nhà nuôi cừu tại Úc. Song song đó, công ty còn bắt tay cùng WoolMark  sản xuất khăn choàng len cho thị trường Úc vào năm 2016. 

Không chỉ có DN dệt may trong nước  xoay chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh, mà điều kiện thuận lợi từ hội nhập đang thu hút DN ngoại vào đầu tư vào Việt Nam.

Ông Yoshitaka Kurihana, chuyên gia tư vấn đầu tư Văn phòng Jetro tại TP HCM, TPP giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu hàng dệt may theo quy tắc Yarn Forward (từ chỉ, vải, nhuộm cắt may). Đồng thời, mang tới cho Việt Nam “làn sóng” đầu tư mạnh vào lĩnh vực liên quan từ các nước Trung Quốc,  Hồng Kông, Hoa Kỳ, Úc… 

Đại diện Vitas cho rằng, muốn tận dụng tốt cơ hội phát triển cần sự nỗ lực của toàn ngành, xã hội và Chính phủ để thu hút DN nước ngoài đầu tư vào điểm yếu tồn tại lâu ngày. Cũng theo Vitas, phải tăng cường sự liên kết giữa các nhà sản xuất trong nước, trong ngành với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu nhằm tận dụng thành phẩm. Chỉ như vậy, DN Việt mới đáp ứng xuất xứ và hưởng lợi từ TPP cũng như các hiệp định thương mại tự do khác.

Bàn về lợi ích từ TPP, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định: Cơ hội hay lợi ích to lớn không đến ngay lập tức, bởi nhiều cam kết của TPP được thực hiện theo lộ trình. Lưu ý, TPP phải mất khoảng 2 năm để được thông qua thì ít nhất 4 - 5 năm sau mới có thể mang lại lợi ích thiết thực mà Việt Nam đang hy vọng.   

                                                                                                    Theo daidoanket.vn

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)