CĐ ngành Dệt - May Hà Nội (CĐDMHN) được thành lập thí điểm theo sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của LĐLĐ TP.Hà Nội và sự phối hợp chỉ đạo của CĐ Dệt - May Việt Nam. Tuy mới thành lập (9.11.2009), nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn và hoạt động CĐ với phương châm hướng về cơ sở, CĐDM phát huy tốt vai trò trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Lãnh đạo CĐ ngành Dệt - May Hà Nội tặng bằng khen cho các cá nhân xuất sắc trong hoạt động CĐ. Ảnh: V.L
Tập trung chăm lo người lao động
Khó khăn lớn nhất với CĐDMHN là không có chính quyền đồng cấp, nên việc phối hợp tổ chức các hoạt động chăm lo cho NLĐ không có sự thuận lợi. Ngoài ra, do là mô hình mới, nên chủ DN chưa ủng hộ, cán bộ CĐCS còn thiếu quyết tâm, thậm chí có người còn làm đơn xin ở lại sinh hoạt với CĐ cấp trên cơ sở theo địa bàn. Với thực tế này, CĐDMHN chủ động tiếp cận, nắm bắt tình hình tổ chức hoạt động của các CĐCS, nhận định tình hình, tạm thời chia theo nhóm, chia cụm CĐCS theo địa bàn để có thêm phần chủ động trong chỉ đạo hoạt động, đặc biệt chú trọng những đơn vị chưa tham gia sinh hoạt hoặc đơn vị hoạt động yếu, đơn vị nhỏ về quy mô, lĩnh vực ngành nghề. Một trong những hoạt động được CĐDMHN tập trung thực hiện là chỉ đạo các CĐCS tham gia xây dựng TƯLĐTT. Tuỳ tình hình thực tế tại đơn vị, các CĐCS trực thuộc CĐDMHN chủ động tham gia, đàm phán, thương lượng, tổ chức ký kết TƯLĐTT và hướng dẫn CNLĐ tham gia ký kết HĐLĐ.
Bà Hà Thị Phương Anh - Chủ tịch CĐCS Cty May liên doanh Plummy (huyện Quốc Oai, Hà Nội) - cho biết: Hằng năm BCHCĐ phối hợp với BGĐ Cty tổ chức hội nghị NLĐ từ các tổ, đến Cty đảm bảo dân chủ, NLĐ được tham gia ý kiến vào kế hoạch SXKD, hoạt động CĐ trong đơn vị. Qua đó, 100% CNLĐ được ký HĐLĐ, tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Việc ký kết bổ sung TƯLĐTT có nhiều điều khoản cao hơn luật, nhằm đảm bảo đời sống và chế độ chính sách cho CNLĐ.
Ông Đinh Văn Viện - Chủ tịch CĐDMHN - cho biết, đến nay có 70,23% số đơn vị thực hiện ký kết TƯLĐTT, xây dựng thang bảng lương và trên 91,3% số CNLĐ được ký kết HĐLĐ. CĐDMHN đồng thời phát huy tính chủ động cũng như trách nhiệm của NSDLĐ và NLĐ trong việc tham gia phối hợp tổ chức hội nghị NLĐ, nhằm tạo sự bình đẳng, dân chủ, thỏa thuận thống nhất các nội dung chủ yếu khi thực hiện chính sách tiền lương, thưởng, các điều kiện tăng ca, định mức sản phẩm, độc hại, bảo hiểm… Nhờ được bảo đảm quyền lợi, CNLĐ trong các DN sản xuất ổn định, hạn chế thấp nhất số vụ ngừng việc tập thể, đình công, lãn công liên quan đến quyền và lợi ích CNLĐ.
Đẩy mạnh phát triển đoàn viên
Theo nhận định của CĐDMHN, uy tín thị trường hàng dệt may VN đang trên đà phát triển, tỉ trọng xuất khẩu ngày càng cao, thu nhập, đời sống, việc làm của NLĐ sẽ được cải thiện đáng kể, song vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ thiếu việc làm, lực lượng LĐ có sự biến động, nguồn LĐ thay thế khó tuyển dụng, chất lượng đội ngũ CNLĐ ngành dệt may còn nhiều bất cập. Do đó, CĐDMHN sẽ tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ. Các CĐCS tích cực, chủ động phối hợp với chủ DN tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị NLĐ hằng năm; tham gia xây dựng, nội dung, ký kết HĐLĐ, TƯLĐTT, nội quy, quy chế của DN… CĐDMHN sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách pháp luật về LĐ, tiền lương, BHXH, BHYT, HĐLĐ, BHLĐ đối với NLĐ, đặc biệt là LĐ nữ, bởi LĐ nữ chiếm 16.000/20.000 CNLĐ.
Trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, CĐDMHN sẽ tiếp tục cải tiến nội dung, hình thức và có các giải pháp tích cực, phù hợp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động CĐ; thường xuyên tuyên truyền để NLĐ và NSDLĐ hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ và lợi ích của việc thành lập CĐ; xây dựng tiêu chuẩn, bảng điểm CĐCS vững mạnh, phù hợp với từng loại hình cơ sở; thực hiện tốt công tác kiểm tra định kỳ, đánh giá phân loại đúng chất lượng hoạt động CĐCS hằng năm.
Theo laodong.com.vn