Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và việc NHNN nới biên độ tỷ giá sẽ khiến sức ép cạnh tranh đối với hàng dệt may gia tăng. Nhiều doanh nghiệp lo bị đối tác ép giá khi ký hợp đồng thời gian tới.
Trong vài tháng tới, những vấn đề phát sinh từ phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ lộ ra.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Đáp Cầu, ông Lương Văn Thư cho biết, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ thiệt, lợi thế nào đối với doanh nghiệp dệt may xuất khẩu còn phải căn cứ vào thị trường xuất khẩu cũng như nhập nguyên phụ liệu theo thị trường của từng doanh nghiệp.
Việc phá giá này ảnh hưởng lớn với doanh nghiệp dệt may trong nước là chắc chắn do họ là cường quốc về xuất khẩu nguyên phụ liệu may mặc. Như với thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Trung Quốc đang chiếm tới 45%-50% tổng nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ trong khi doanh nghiệp Việt chỉ chiếm 5%-7%.
“Đồng nhân dân tệ của họ giảm giá, giá hàng xuất khẩu sẽ giảm theo, doanh nghiệp Việt sẽ bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể doanh nghiệp Việt đang phải nhập từ 50%-55% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
Trước mắt May Đáp Cầu không bị ảnh hưởng gì đối với các đơn hàng đã ký. Trong vài tháng tới, những vấn đề phát sinh từ phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ lộ ra, doanh nghiệp dệt may sẽ bị các đối tác gây sức ép ngược, đòi hạ giá.”, ông Thư cho biết.
Đại diện một doanh nghiệp dệt may lớn ở khu vực phía Bắc cho biết, Trung Quốc mạnh tay phá giá đồng tiền khiến hàng hóa xuất khẩu của họ càng có lợi thế. Nếu Việt Nam không mạnh tay phá giá như họ thì đương nhiên sẽ bị thua khi xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu Việt Nam cũng chạy đua phá giá đồng tiền thì sức ép về nghĩa vụ trả nợ vay sẽ rất lớn.
Với các doanh nghiệp dệt may, dự báo trong vòng 2 tháng tới sẽ chịu sức ép giảm giá rất lớn. “Những doanh nghiệp dệt may lớn có hợp đồng dài nhất là đến quý I/2015, còn lại đa phần từ tháng 9, 10, 11 trở đi sẽ phải chịu sức ép từ các đối tác trong việc bị yêu cầu điều chỉnh giảm giá xuất khẩu nếu muốn duy trì sức cạnh tranh với hàng dệt may xuất khẩu của Trung Quốc”, vị này dự báo.
Theo bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ thì sẽ ảnh hưởng hai chiều đến các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu. “Họ phá giá đồng nhân tệ khiến hàng xuất khẩu của họ cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi một phần do giá nguyên, phụ liệu nhập khẩu cũng rẻ hơn. Khi đó, cơ hội giảm giá hàng xuất khẩu cũng có. Vấn đề duy nhất là về dài hạn, việc Trung Quốc phá giá đồng tiền sẽ là điều rất đáng lo,” bà Dung nói.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, việc Trung Quốc phá giá đồng tiền chắc chắn có ảnh hưởng đối với việc hàng hóa xuất khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng sẽ tùy thuộc vào mặt hàng, khối lượng nhập. “Tôi đã yêu cầu anh em theo dõi sát diễn biến tình hình để có đánh giá cụ thể trong thời gian tới”, vị này cho biết.
Theo tienphong.vn