Ngành dệt may chỉ muốn tăng lương 6%


Mức đề xuất tăng lương tối thiểu của ngành dệt may thấp hơn nhiều so với đề xuất trước đó của cơ quan đại diện cho giới chủ người lao động...

Anysew.vn_Ngành dệt may chỉ muốn tăng lương 6%


Ngành dệt may hiện có khoảng 3 triệu lao động, là một trong những ngành có giá trị xuất khẩu lớn nhất của nền kinh tế.

Trong năm 2016, lương tối thiểu cần tăng thêm khoảng 6%, tương ứng với mức từ 150.000 - 200.000 đồng/tháng, đồng thời Nhà nước nghiên cứu giảm tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn một cách hợp lý.

Đó là kiến nghị vừa được Hiệp hội Dệt may Việt Nam gửi đến các cơ quan thẩm quyền với mục đích vừa đảm bảo cuộc sống cho người lao động, vừa giữ được sự ổn định, tránh tình trạng tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Như vậy, mức đề xuất này thấp hơn nhiều so với mức đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra trước đó là 10 - 12%, trong khi Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu các vùng từ 350.000 đến 550.000 đồng mỗi mức, tương đương mức tăng 16%.

Theo Hiệp hội, ngành dệt may Việt Nam trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2006, khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 5,9 tỷ USD, đến năm 2014 đã đạt 24,69 tỷ USD, tăng gấp 4,5 lần năm 2006 và tăng 17,1% so với năm 2013.

6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 12,06 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ 2014. Năm 2015 ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 27,5 tỷ USD, luôn nằm ở vị trí nhất, nhì trong các ngành xuất khẩu có giá trị lớn.

Đặc biệt, với việc thu hút gần 3 triệu lao động, ngành dệt may đã đóng góp vào việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tại các vùng đồng bằng, vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may đang đối mặt với nhiều thách thức như sức ép cạnh tranh về đơn hàng, giá điện, than, phí và phụ phí cảng và tàu biển… tăng. Đặc biệt, tiền lương tối thiểu vùng chỉ tính từ 1/1/2010 đến nay đã tăng 2,2 - 2,3 lần.

Trước thực tế đó, Hiệp hội Dệt may kiến nghị Nhà nước nghiên cứu tính lại nhu cầu sống tối thiểu. Dựa vào tính toán của quốc tế, một trẻ em chỉ tính bằng 0,5 người lớn (Việt Nam đang tính bằng 0,7), thì tiền lương tối thiểu vùng 2015 đã đáp ứng 94,8% nhu cầu sống tối thiểu.

Như vậy, lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ tăng khoảng 6% (vùng 1 tăng 200.000 đồng, các vùng còn lại tăng 150.000 đồng), các năm 2017 và 2018 mỗi năm tăng khoảng 7% (vùng 1 tăng 250.000 đồng, các vùng còn lại tăng 200.000 đồng) để lương tối thiểu vùng năm 2018 cơ bản đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.

Bên cạnh đó, Nhà nước nghiên cứu giảm tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn một cách hợp lý. Theo thống kê của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) các nước trong khu vực như Malaysia đóng khoảng 13%, Philippines 10%, Indonesia 8%, Thái Lan 5%.

Hiệp hội Dệt may cho rằng, tăng lương tối thiểu vùng ở mức cao và duy trì tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn cao như hiện nay cũng là một nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Tại cuộc họp báo của Hiệp hội Dệt may chiều 3/8, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Trương Văn Cẩm cho biết, văn bản kiến nghị đã được gửi lên Hội đồng Tiền lương quốc gia. Đồng thời, cơ quan này cho rằng, nên giãn thời gian điều chỉnh lương tối thiểu, thay vì hàng năm nên chuyển thành 2 năm một lần sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian lẫn chi phí.

Dự kiến, tháng 10 tới, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp để xây dựng phương án tăng lương tối thiểu vùng, trình Chính phủ.

                                                                                     Theo vneconomy.vn

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)