Dệt may sang EAEU có thuận lợi?


Trong khi quy tắc xuất xứ công đoạn không làm khó được doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường khối Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), thì hàng rào phi thuế quan, hệ thống thanh toán và cả ngôn ngữ sẽ là những trở ngại không nhỏ để đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu vào khối thị trường này.

Anysew.vn_Dệt may sang EAEU có thuận lợi?


Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu (liên minh) nhập khẩu khoảng 13 tỷ USD hàng dệt may một năm, trong đó Nga nhập khoảng hơn 11 tỷ USD.  Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang các nước này khoảng 320 triệu USD, chiếm 2% thị phần, một con số không lớn. Nếu so sánh điểm xuất phát của dệt may Việt Nam tại liên minh hiện nay rất giống với điểm xuất phát của dệt may Việt Nam tại thị trường Mỹ trước khi Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định thương mại song phương (BTA). Thời điểm đó, thị phần của dệt may Việt Nam tại Mỹ chỉ khoảng 1%, hiện đã tăng lên 10%. Bài học kinh nghiệm từ thị trường Mỹ cho thấy, nếu tận dụng tốt Hiệp định thương mại với liên minh thì việc tăng thị phần của dệt may Việt Nam tại khối thị trường này là có triển vọng.

Trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu (VEAEUFTA), dệt may Việt Nam chỉ phải chịu quy định xuất xứ công đoạn. Cụ thể, với hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào khối liên minh chỉ có công đoạn cắt và may bắt buộc phải thực hiện tại Việt Nam. Quy định xuất xứ này rõ ràng không làm khó được các DN, bởi thời điểm hiện tại cắt và may vốn là thế mạnh của dệt may Việt Nam.

Ông Trường từng nhận định: “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu là cơ hội mới cho ngành dệt may Việt Nam. Nếu tận dụng tốt, bao gồm cả việc giảm thuế quan, đơn giản hóa thủ tục hải quan thì 5 năm sau khi hiệp định có hiệu lực, thị phần của dệt may Việt Nam tại thị trường này có thể sẽ tăng khoảng 10%, đạt trên 1 tỷ USD”.

Tuy nhiên, theo bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, quy tắc xuất xứ của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu tuy không làm khó cho dệt may nhưng các DN vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức; hiệp định đưa ra một giới hạn số lượng xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam sang khối thị trường liên minh chỉ khoảng 1 tỷ USD; nếu vượt giới hạn, hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị dừng nhập khẩu, chờ đánh giá tác động tới thị trường nội địa của khối; khi đó nguy cơ hàng dệt may của Việt Nam không tiếp tục được hưởng ưu đãi về thuế theo hiệp định là rất lớn.

Đồng rúp của Nga hiện đang bị mất giá vì vậy khi hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào khối liên minh cho dù đã được giảm thuế nhưng rất khó để cạnh tranh. Bởi đồng rúp mất giá các nước trong khối sẽ thuận lợi hơn trong vấn đề xuất khẩu chứ không phải nhập khẩu. Ngoài ra, những rào cản thương mại phi thuế quan, số lượng người biết về tiếng Nga không còn nhiều… cũng là những trở ngại lớn đối với DN.

Cũng theo bà Dung, hệ thống thanh toán giữa Việt Nam và các nước trong khối liên minh cũng chưa phong phú. Vì vậy, để thuận lợi cho việc giao thương của DN hai phía, cần thiết lập hệ thống ngân hàng thanh toán giữa hai bên. Hơn nữa hiệp định cũng khuyến khích sử dụng đồng nội tệ của khối liên minh trong giao dịch, trong khi đó phần lớn DN Việt Nam sử dụng đồng USD trong các giao dịch. Nếu không có hệ thống ngân hàng hỗ trợ thì đây cũng là một trong những trở ngại lớn với DN Việt.

Ông Trường cho biết: “Để giúp DN nhanh chóng tiếp cận được với hiệp định, Tập đoàn dệt may Việt Nam đã đề xuất với Bộ Công Thương nhanh chóng triển khai phổ biến các hiệp định thương mại mới được ký kết, tạo điều kiện cho các chuyên gia của ngành nghiên cứu sâu các nội dung của hiệp định để triển khai, rút ngắn thời gian tiếp cận cho DN”./.

                                                                                                         Theo ven.vn

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)