Sự kiện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chuyển nhượng hệ thống phân phối Vinatexmart cho Tập đoàn Vingroup đã khiến nhiều người lo ngại “đại gia” dệt may này bỏ rơi phân khúc thị trường nội địa. Tuy nhiên, Vinatex khẳng định, thị trường nội địa vẫn là phân khúc được Vinatex chú trọng và hàng dệt may Việt Nam sẽ phục vụ người tiêu dùng Việt Nam tốt hơn bằng những chiến lược mạnh mẽ trong thời gian tới.
Doanh thu nội địa không chỉ đến từ quần áo mà còn từ nguyên phụ liệu
Bán Vinatexmart không làm ảnh hưởng đến doanh thu nội địa
Năm 2001, khi mới được thành lập, hệ thống bán lẻ Vinatexmart của Vinatex được kỳ vọng sẽ trở thành kênh phân phối hữu hiệu cho các sản phẩm dệt may Việt Nam tại thị trường nội địa khi mục tiêu lớn nhất được đề ra là sẽ phân phối 100% sản phẩm dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex cho biết, trong 13 năm hình thành và phát triển, hệ thống siêu thị Vinatexmart tăng trưởng tốt về chiều rộng nhưng quy hoạch địa điểm chưa đạt. Cụ thể, sản phẩm dệt may của các đơn vị trong tập đoàn được định vị là sản phẩm loại khá trở lên, tuy nhiên địa điểm bán hàng của Vinatex lại đặt khá nhiều ở vùng nông thôn, nơi có thu nhập bình quân đầu người thấp và có nhu cầu tiêu dùng hàng giá rẻ, chất lượng thấp. Bên cạnh đó, doanh thu của hàng hóa tổng hợp (hàng tạp hóa) tại Vinatexmart chiếm tới 2/3 trong khi doanh thu từ hàng hóa dệt may chỉ chiếm 1/3. Chính vì vậy, để hệ thống này mang lại lợi ích lớn nhất, Vinatex đã quyết định chuyển giao cho Tập đoàn Vingroup.
Việc chuyển nhượng Vinatexmart cho Vingroup gây nên lo ngại về vị thế của Vinatex nói riêng và ngành dệt may Việt Nam nói chung tại thị trường nội địa. Bởi lẽ ngành dệt may Việt Nam từ trước đến nay được đánh giá là làm tốt bài toán xuất khẩu hơn tiêu thụ ở thị trường trong nước. Đáp lại lo ngại này, ông Lê Tiến Trường cho biết, việc chuyển nhượng hệ thống Vinatexmart cho Vingroup không làm ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh nội địa của tập đoàn.
Ông Trường lý giải, trong doanh thu nội địa năm 2014 của Vinatex (khoảng 22 ngàn tỷ đồng) thì chỉ có 2.300 tỷ đồng là từ hệ thống Vinatexmart, tương đương 10%. Phần còn lại thuộc về doanh thu mảng bán quần áo đến từ hệ thống bán lẻ riêng của các thương hiệu như May 10, Đức Giang, Nhà Bè, Việt Tiến…. “Theo chủ trương của tập đoàn, hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp (DN) không chỉ nhằm mục đích mang lại doanh thu mà còn phải giúp xây dựng thương hiệu của DN. Đến nay, những hệ thống phân phối riêng của các DN đang làm rất tốt cả 2 nhiệm vụ này” - ông Lê Tiến Trường cho hay.
Đa dạng các nguồn thu nội địa
Trên thực tế, doanh thu nội địa của Vinatex không chỉ đến từ việc bán quần áo mà còn từ việc bán sợi cho các DN dệt, bán vải dệt sang các DN may. Đơn cử như tại Tổng công ty CP Phong Phú, nếu một năm doanh số bán hàng vào khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng thì doanh số bán sợi và vải dệt cho các công ty may trong nước vào khoảng 2.500 tỷ đồng. Đây cũng được tính vào doanh thu nội địa. Tương tự như Phong Phú, doanh thu nội địa của nhiều công ty khác như Việt Thắng, Dệt Nam Định hay Hanosimex cũng bao gồm doanh số bán sợi và vải dệt.
Ông Hoàng Vệ Dũng - Phó tổng giám đốc Vinatex khẳng định thêm, thị trường nội địa là mảng Vinatex không bao giờ từ bỏ. Ngoài việc bán nguyên liệu cho các DN trong nước nhằm hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu, với thị trường quần áo, hiện nay Vinatex đang tập trung vào thị trường đồng phục. Thứ nhất là đồng phục cho các cửa hàng, nhà hàng, siêu thị, hệ thống thương mại…; thứ hai là đồng phục cao cấp, văn phòng cho các ngân hàng, công sở…; thứ ba là đồng phục bảo hộ lao động. Đây là phân khúc thị trường mà tỷ lệ sử dụng hàng Việt Nam rất lớn, lên đến 75-80%. Số lượng đơn đặt hàng cho các sản phẩm này đang ngày càng tăng và năm nay dự kiến tăng 30-40% so với cùng kỳ năm trước.
Sản phẩm dệt may Việt được lòng người tiêu dùng (ảnh: Cấn Dũng)
“SEA Games vừa rồi, đoàn thể thao Việt Nam cũng mặc quần áo của Vinatex. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tài trợ quần áo cho đoàn thể thao Việt Nam trong những kỳ thi đấu quốc tế như ASIAD 2016, thể thao bãi biển.… Tháng 7 tới, phi công và tiếp viên của Vietnam Airlines cũng sẽ mặc đồng phục “Made in Vietnam” của May 10, Đức Giang… ” - ông Dũng cho hay.
Ông Hoàng Vệ Dũng khẳng định: “Mục tiêu năm nay của Vinatex là tăng trưởng 10-15% ở thị trường nội địa. Dự kiến, con số này vẫn có thể đảm bảo. Phải nói thị trường nội địa là phân khúc hết sức cạnh tranh khi nhiều cửa hàng, nhiều hãng may tư nhân đã mở các thương hiệu thời trang lớn và cạnh tranh trực tiếp với Vinatex. Cho nên chỉ DN nào tìm được cách đi của mình, đa dạng mẫu mã, đảm bảo chất lượng thì sẽ chiếm lĩnh được thị trường. Vinatex luôn tập trung vào những phân khúc thị trường mới để đảm bảo vừa tăng doanh thu, vừa xây dựng được thương hiệu, vừa giúp người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm tốt nhất, có sức cạnh tranh cao nhất”.
Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngành dệt may đã nỗ lực đầu tư cho sản xuất, tích cực mở rộng kênh phân phối để chiếm lĩnh thị phần, đẩy lùi hàng nhập ngoại kém chất lượng. Các sản phẩm may mặc nội ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Những năm gần đây, hàng dệt may tiêu thụ nội địa tăng trung bình 10-15%/năm. Năm 2015, doanh thu nội địa của Vinatex dự kiến giữ mức tăng trưởng khoảng 10-15%.
Theo ven.vn |