Sau hơn 2 năm tích cực đàm phán, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (gồm Nga - Belarus - Kazakhstan - Armenia - Kyrgyzstan) đã được ký kết chính thức vào ngày 29/5 vừa qua, mở ra những cơ hội mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước thành viên. Với dân số 175 triệu người và tổng GDP xấp xỉ 2.500 tỷ USD, Liên minh kinh tế Á - Âu hứa hẹn sẽ là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị gì khi Hiệp định thương mại có hiệu lực? Sẽ có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng ưu đãi thông qua các cam kết chung về cắt giảm thuế quan. Cụ thể, dệt may có 82% dòng thuế được cắt giảm, giày dép 77%, cao su 75%, túi xách 100%... Ông Phạm Bình An - Giám đốc Trung tâm WTO TP Hồ Chí Minh cho rằng, Liên minh kinh tế Á – Âu là một thị trường mạnh và phát triển, nhu cầu thị trường cũng khá phù hợp với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đây cũng gần như là thị trường truyền thống của doanh nghiệp Việt Nam. Hiệp định này được ký kết sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Dệt may, da giày là ngành được hưởng ưu đãi lớn khi Hiệp định FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á – Âu có hiệu lực.
Bà Nguyễn Khánh Ngọc - Trưởng phòng Nga - SNG (Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương) thông tin, để tận dụng được những điều kiện thuận lợi từ FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ và đảm bảo tính chính xác khi xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Doanh nghiệp lưu ý, dù để xảy ra sơ suất rất nhỏ thì nguy cơ bị ngưng các ưu đãi cũng rất dễ xảy ra.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức. Theo ý kiến của một số chuyên gia, các doanh nghiệp sẽ gặp thách thức với nguy cơ bị điều tra và áp thuế chống bán phá giá khi hàng Việt Nam xuất khẩu số lượng lớn có giá rẻ, hàng Việt Nam xuất khẩu được trợ cấp hoặc đó là những mặt hàng xuất khẩu có lợi thế của Việt Nam. Doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ để đương đầu với những khó khăn này. Hiệp định này có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng về việc các nước thành viên của Liên minh kinh tế Á - Âu và Việt Nam đã hoàn thành các thủ tục pháp lý trong nước của mình.
Theo cand.com.vn |