Khó xoay chiều cán cân xuất khẩu với doanh nghiệp FDI


Nhiều năm qua, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã “lấn sân” các DN trong nước về giá trị kim ngạch XK. Với thế mạnh sẵn có, các DN FDI vẫn đang trên đà nới rộng khoảng cách với DN trong nước.

Anysew.vn_Nhiều năm qua, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã “lấn sân” các DN trong nước về giá trị kim ngạch XK. Với thế mạnh sẵn có, các DN FDI vẫn đang trên đà nới rộng khoảng cách với DN trong nước.

 Nỗ lực vươn lên trong XK của các DN trong nước cần sự phát triển từ trong DN và sự hỗ trợ từ Chính phủ. Ảnh: Trần Việt

Tìm lợi thế

Theo thống kê về trị giá kim ngạch hàng hóa XK những năm qua, sự chênh lệch giữa DN FDI và nội địa đã trở thành “truyền thống”, trong nhiều lĩnh vực kể cả lĩnh vực thế mạnh như dệt may, da giày, thủy hải sản… Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, 77% giá trị XK của ngành da giày hiện nay thuộc về khối DN FDI, các DN nội địa phần lớn chỉ làm gia công. Nguyên nhân là xuất phát điểm của các DN Việt Nam là sản xuất gia công, giá nhân công rẻ và dồi dào nên nhiều đơn hàng đã dịch chuyển từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc… về Việt Nam để tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ này.

Vì còn nhiều hạn chế nên DN nội phải tìm ra cho mình thế mạnh để tận dụng, để tăng cơ hội xoay chuyển cán cân thương mại XK. Nói về thế mạnh của DN nội địa, bà Xuân cho rằng, nhân công giá rẻ, dồi dào cũng được coi là thế mạnh để DN Việt Nam cạnh tranh với FDI, vậy các DN Việt phải tận dụng thế mạnh của mình và có sự liên kết, bổ sung cho nhau những lĩnh vực còn thiếu và yếu về công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu thì sẽ tạo được chuỗi liên kết mang lại giá trị gia tăng cao. Mặt khác, theo phân tích của bà Xuân, sự phát triển của DN FDI cũng có lợi khi giải quyết được việc làm cho người lao động, phù hợp với trình độ phát triển của DN giai đoạn này. Nghĩa là trong quá trình DN nội địa làm gia công, sẽ dần dần, tiếp nhận, học hỏi những công nghệ, kinh nghiệm từ nước ngoài đổ về để tiến tới tham gia sâu trong chuỗi giá trị, tiến lên làm được tất cả các khâu từ sản xuất nguyên phụ liệu, thiết kế… lúc đó giá trị gia tăng sẽ dần được nâng lên, tiến tới cân bằng cán cân XNK với DN FDI.

Trong một cuộc hội thảo gần đây về kinh tế Việt Nam khi chuẩn bị hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, với tỷ trọng đóng góp vào XK cao như hiện nay, khối DN FDI đã trở thành bộ phận hữu cơ không thể thiếu của kinh tế Việt Nam. Nếu liên kết được với DN FDI thì DN trong nước có thể cùng thắng. Nhưng muốn thắng thì phải tạo được môi trường kinh doanh phát triển, tạo được mối liên kết với DN FDI và tự bản thân DN trong nước phải phát triển được về công nghệ cũng như kỹ năng quản trị. Bên cạnh đó, một số ngành có lợi thế XK của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản… cần liên kết lại tạo sức mạnh cạnh tranh.

Có thể thấy, việc các DN FDI chiếm ưu thế trong giá trị kinh tế cũng là một động lực thúc đẩy DN nội cùng phát triển, vươn lên đủ sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, dưới sự phát triển đa dạng của DN FDI, DN Việt Nam sẽ có được cái nhìn bao quát về hướng phát triển, học hỏi được kinh nghiệm, để từ đó, tìm được chiến lược kinh doanh hợp lý cho mình.

Đường đi không dễ

Mặc dù có được một số lợi thế nhưng thực tế lại cho thấy, để các DN nội tiến tới cân bằng được cán cân về XK với DN FDI còn cả một quãng đường dài phía trước, nhưng điều quan trọng là các DN nước ta vẫn còn đang loay hoay tìm lối đi.

Hơn nữa, sự lấn át của DN FDI chắc chắn đang gây nhiều khó khăn cho các DN nội địa. Theo ông Phí Ngọc Trịnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần may Hồ Gươm, để đón đầu các Hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết, các DN nước ngoài đã đổ về Việt Nam xây dựng nhiều nhà máy để thực hiện theo phương châm “buôn tận gốc, bán tận ngọn”, tức là tự cung cấp tất cả các khâu để ra thành phẩm nên giá trị gia tăng của sản phẩm, giá trị đơn hàng dĩ nhiên sẽ cao hơn so với các DN Việt Nam chỉ nhận lại đơn hàng gia công giá rẻ, chưa kể đến DN nội đứng trước nguy cơ mất đi nhiều đơn hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, chính vì DN mình bị yếu thế hơn, nên khi DN nước ngoài đổ về xây dựng nhà máy, nhà máy càng lớn thì lượng nhân công càng nhiều. Với điều kiện về vốn, công nghệ hiện đại nên nhiều nhà máy có thời gian làm việc ngắn, công nhân chỉ làm 2 ca với 8 tiếng/ca mà lại được trả lương bằng một ca của DN nội làm 10 tiếng, điều này tất nhiên sẽ khiến công nhân có tay nghề dịch chuyển.

Để giải quyết khó khăn trên, ông Trịnh cho biết, thực trạng này bắt buộc DN phải thay đổi để thích nghi, nếu không sẽ bị tiêu diệt. DN trong nước đã thay đổi nhưng so với các DN FDI thì vẫn còn khoảng cách quá lớn, ví dụ như mình chưa thể chủ động được đơn hàng, phải qua nhiều khâu trung gian trong khi đơn hàng của các DN FDI sẵn có, nhận làm từ gốc. Riêng về vốn thì các DN nước ngoài khi vay USD tại thị trường thế giới chỉ với lãi suất 1,5-2%, còn DN Việt là 4% dù đã có ưu đãi, còn nếu vay VND thì phải từ 7-10%.

Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn nhựa Đông Á, hiện tại tuy Công ty đã có được vốn đầu tư từ Nhật Bản nhưng việc XK được hay không là do bản thân DN tự xúc tiến thông qua các hội chợ triển lãm ở nước ngoài, qua các kênh thông tin thương mại… Vốn của Nhật Bản chỉ góp phần hỗ trợ để tăng thêm chất lượng cho sản phẩm, nâng giá trị của sản phẩm cao hơn so với trước kia mà thôi.

Cùng với đó, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, khi các Hiệp định thương mại tự do mở ra thì các DN Việt Nam phải biết cách để nắm lấy cơ hội, từng bước phát huy nội lực. Vì nếu DN nội địa muốn “đua” với DN FDI thì rất khó, vì mình chưa đủ lực, bước đầu chỉ nên học hỏi, chuyển dần từng bước từ gia công lên FOB rồi lên những bước cao hơn. DN phải có một chiến lược kinh doanh khôn ngoan.

Mặt khác, để vươn lên sánh vai với DN FDI, nhiều DN cho rằng bên cạnh việc tự bản thân cải thiện, chủ động nắm bắt cơ hội còn cần đến sự hậu thuẫn từ các chương trình hỗ trợ DN của Chính phủ. Theo báo cáo về tình hình trợ giúp DN nhỏ và vừa Việt Nam trong năm 2014 của Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa (hoặc liên quan đến trợ giúp DN nhỏ và vừa) trong các lĩnh vực: Hỗ trợ tài chính tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, xúc tiến mở rộng thị trường, cải cách thủ tục thuế và Hải quan, thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực… Các chính sách này về cơ bản đã hỗ trợ được DN, nhận được những phản hồi tích cực, tuy nhiên, bản báo cáo trên cũng chỉ rõ, việc triển khai thực hiện còn chậm trễ, thiếu sự phối hợp đồng bộ, chưa có trọng tâm, trọng điểm, nhiều trình tự, thủ tục còn bất cập, gây khó khăn cho DN khi tiếp cận.

Có thể thấy, đuổi kịp và vượt lên FDI về XK không phải là chuyện dễ dàng, có thể thực hiện trong “ngày một ngày hai”, nhưng không có nghĩa là DN nội địa phải chịu thua trên sân nhà. Các DN cần tiến hành ngay những bước đi song song, vừa đổi mới, phát triển DN, vừa tìm cơ hội bứt phá để dần dần tạo được vị thế, nâng cao giá trị trong nền kinh tế.

Ông Bùi Trọng Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM:

Muốn tăng thị phần XK, DN nội địa phải tăng năng suất lao động, chọn những sản phẩm có lợi thế riêng, sản phẩm có hàm lượng chất xám cao để gia tăng giá trị. Quan điểm của Hiệp hội là không khuyến khích các DN dệt may đầu tư vào sản xuất “cuối nguồn” là may mặc nữa mà nên tập trung sản xuất “đầu nguồn” là dệt vải, nguyên phụ liệu… bởi hiện đang có quá nhiều DN làm “cuối nguồn” rồi sẽ dễ dẫn đến cạnh tranh gay gắt mà giá trị XK lại không cao. Hơn nữa, khả năng của DN Việt Nam còn yếu thì việc mở rộng sản xuất cũng là vấn đề khó khăn thì DN phải tinh gọn sản xuất, cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất lên. Mặc dù Nhà nước có những hỗ trợ phát triển nhưng DN vẫn nên tự chủ động tìm hướng đi cho riêng mình.

Ông Lê Hữu Phong, Giám đốc Công ty Cổ phần may Sơn Hà:

Ưu thế của DN Việt Nam là có được mối quan hệ với người lao động dễ hơn nước ngoài. Tuy nhiên, công nhân tại DN FDI có thể nghe lãnh đạo răm rắp nhưng lại hay đình công, còn các DN Việt Nam ít đình công hơn nhưng độ tuân thủ lại không bằng. Hiện DN vẫn chủ yếu làm hàng gia công nên chỉ tập trung vào tăng năng suất lao động bằng việc cải thiện trang thiết bị máy móc nên đơn hàng vẫn có tăng lên. Việc liên kết, hợp tác giữa DN nội với nhau hay với DN FDI đều chưa có chương trình triển khai.

                                                                                       Theo baohaiquan.vn

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)