Thông thường kết thúc kỳ nghỉ Tết, các doanh nghiệp dệt may lại lâm vào cảnh "dở khóc dở cười" bởi đơn hàng thì nhiều mà lao động thì có muôn vàn lý do để thoái thác.
Đứng trước thực trạng đó, không ít doanh nghiệp dệt may đã đặt việc chăm lo cho người lao động là nhiệm vụ xuyên suốt.
Thưởng Tết của công nhân được Ban Lãnh đạo các doanh nghiệp quan tâm ở mức tối đa. Đặc biệt, người lao động không phải làm thêm giờ kéo dài, tất cả các Chủ nhật đều nghỉ, nếu làm thêm được nghỉ bù.
Việc “lo xa” này đang là một nét khác biệt trong chính sách đãi ngộ với người lao động của một số doanh nghiệp 1-2 năm gần đây và đã giúp cải thiện đáng kể tình trạng thiếu hụt lao động sau mỗi kỳ nghỉ Tết.
Tết Nguyên đán cận kề cũng là lúc nhu cầu lao động theo giờ, lao động thời vụ như sửa chữa dọn vệ sinh nhà cửa, giúp việc gia đình, bán hàng, phục vụ ăn uống, bán sản phẩm hàng hóa Tết, bảo vệ, phục vụ các điểm vui chơi, giải trí... tăng mạnh.
Xuất phát từ những nguyên do này mà tâm lý "đứng núi này trông núi nọ" của công nhân làm việc tại các doanh nghiệp thuộc khối may mặc lại càng trở nên bất ổn khiến họ không mấy mặn mà gắn bó với doanh nghiệp.
Nhiều đơn vị trong ngành may mặc cho biết trong khi đơn đặt hàng không thiếu thì vấn đề nhân lực đang là nỗi lo, đặc biệt là sau dịp Tết Nguyên Đán - thời điểm hàng loạt công nhân nghỉ việc ở lại địa phương hoặc đi tìm chỗ làm mới.
Theo nhận định của ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, xảy ra tình trạng này tại các doanh nghiệp dệt may một phần do cạnh tranh trong ngành khá gay gắt dẫn đến người lao động có tâm lý "nhảy" việc.
Năm 2015, Tập đoàn Dệt may Việt Nam dự kiến cần tới hơn 3 triệu lao động. Nếu các doanh nghiệp không có chiến lược giữ chân người lao động bằng các chế độ đãi ngộ, chế độ làm việc và môi trường làm việc tốt thì thiếu lao động là điều chắc chắn. Vì thế, các doanh nghiệp ngoài việc cần có những quyết sách về vấn đề thị trường, sản xuất kinh doanh đối với bên ngoài, cũng cần phải chăm lo, giải quyết thỏa đáng vấn đề thu nhập, cải thiện môi trường và cải thiện môi trường sống, sinh hoạt văn hóa ngoài giờ làm việc cho người lao động, ông Lê Tiến Trường cho biết.
Thấm thía bài học về thiếu hụt lao động từ những năm trước, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng các chính sách để thu hút lao động, dù sản xuất ở bất kỳ quy mô nào.
Chẳng hạn, Tổng Công ty Phong Phú ngoài thực hiện lương, thưởng theo đúng quy định, đơn vị này còn thường xuyên tổ chức các phong trào thể thao, văn hóa văn nghệ để nâng cao đời sống đời sống văn hóa tinh thần của người lao động.
Theo bà Bùi Thị Thu, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phong Phú, để thực hiện giấc mơ an cư cho công nhân, Phong Phú đã xây dựng khu chung cư 11 tầng, 194 căn với ba loại diện tích để công nhân dễ chọn lựa và bán cho họ với giá ưu đãi.
Đặc biệt, Tổng Công ty còn dành hẳn một tầng để cho công nhân thuê với giá rẻ. Nhờ sự quan tâm như thế mà năm nay toàn bộ công nhân của Tổng Công ty cam kết sau dịp Tết đi làm đầy đủ, đúng thời gian quy định.
Đánh giá về chế độ đãi ngộ người lao động, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Dệt may, khẳng định đã thành truyền thống, công đoàn dệt may Việt Nam luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất và phối hợp với doanh nghiệp lo Tết cho công nhân. Năm nay, với những nỗ lực tìm ra biện pháp chăm lo tỉ mỉ từ công đoàn dệt may Việt Nam, người lao động sẽ có một cái Tết ấm áp, đầy đủ hơn.
Chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này, ông Trương Văn Cẩm cho hay năm nay, dù kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn trong tình trạng khó khăn nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng khá. Đây là căn cứ để có thể tăng cường chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
Hiện mức thu nhập của người lao động ngành đã đạt xấp xỉ 6 triệu đồng/người/tháng, là mức tăng tương đối khá so với các ngành đang còn khó khăn khác.
Ngoài ra, công đoàn dệt may đã chỉ đạo tới từng công đoàn cơ sở quan tâm đến bữa ăn ca cho người lao động sao cho đủ lượng và chất, đảm bảo ngon miệng và vệ sinh. Sức khỏe người lao động được chăm lo tốt, năng suất lao động cũng từ đó được tăng lên, đảm bảo đơn hàng đúng hạn.
Trước đây, để “giữ chân” người lao động sau tết, doanh nghiệp thường để lại một phần thưởng Tết dành phát sau khi họ quay trở lại. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây công đoàn ngành đã yêu cầu doanh nghiệp trả hết tiền thưởng cho người lao động.
Cùng với việc chăm lo đảm bảo tiền lương, thưởng Tết cho người lao động, các công đoàn cơ sở còn xây dựng kế hoạch tổ chức cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón tết tại nơi cư trú đảm bảo an toàn, tiết kiệm.
Để khẳng định thêm, ông Trương Văn Cẩm đã đưa ra một ví dụ chứng minh là Tổng Công ty Dệt may Thắng Lợi, dù vẫn còn hơn một tháng nữa mới tới Tết nhưng Tổng Công ty đã hoàn tất kế hoạch đưa 1.200 công nhân tại các tỉnh xa về đoàn viên cùng gia đình. Với những người ở lại, đơn vị này ty sẽ tổ chức đón Tết với nhiều chương trình văn nghệ, tặng quà và mừng tuổi đầu xuân...
Là một trong những đơn vị có đặc thù sử dụng nhiều lao động, Tổng Công ty May 10 hiện có 19 xí nghiệp thành viên tại bảy tỉnh thành phố trên cả nước với khoảng 10.000 cán bộ công nhân viên.
Tuy nhiên, với uy tín của thương hiệu cũng như chính sách chăm lo đời sống của người lao động cán bộ công nhân viên thì sự biến động về lao động sau Tết cũng có nhưng không nhiều.
Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 bộc bạch bên cạnh việc quan tâm chăm lo hơn tới đời sống của người lao động, để họ có thể an tâm gắn bó với công việc thì Tổng Công ty cũng có những giải pháp khác để chủ động hơn trong vấn đề sử dụng lao động.
Mới đây, Tổng Công ty May 10 đã áp dụng công nghệ đào tạo chỉ từ 1-3 tháng thì có thể chuyển một người may được với khối lượng công việc như một công nhân, tương đối đảm bảo được năng suất lao động và trình độ tay nghề. Như vậy, với May 10 nếu có biến động lao động giảm thì cũng ảnh hưởng không nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh./.
Theo vietnamplus.vn