Đón đầu các lợi thế từ các FTA mang lại, gần đây nhiều DN Hàn Quốc, trong đó nổi lên là các DN dệt may bắt đầu đầu tư mạnh vào VN khiến giới quan sát nhận định năm 2015 sẽ là năm các DNNVV trong lĩnh vực dệt may của Hàn Quốc sẽ đổ dồn vào VN.
Dự báo này dường như có lý khi gần đây, nhiều đoàn DN lớn, nhỏ từ Hàn Quốc sang tìm hiểu môi trường đầu tư tại VN thông qua nhiều kênh khác nhau như: VCCI, Bộ KH - ĐT, KOTRA… xu hướng các DNNVV tìm đến VN cũng bắt đầu gia tăng.
Đầu tư vào dệt, sợi
Sự kiện Cty Rio Industries (Hàn Quốc) gần đây làm việc tại huyện Duy Xuyên về dự án sản xuất sợi chỉ polyester hay cho thấy dệt may đang là một trong những lĩnh vực được nhiều DN Hàn Quốc quan tâm đầu tư. Các DN Hàn Quốc có vẻ như đã tính toán rất kỹ khi đầu tư vào các lĩnh vực phụ trợ dệt may này. Trong khi đây đang được xem là một điểm yếu của ngành dệt may VN khi phải nhập tới 60 - 70% nguyên phụ liệu. Điều này đang làm cho giá trị gia tăng của ngành dệt may hiện khá thấp.
Trở lại với dự án của Cty Rio Industries, được biết DN này đầu tư giai đoạn đầu 6 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất sợi chỉ Polyester trên diện tích 4 hecta. Ông Kim Keun Choong - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Cty Rio Indsutries (chủ đầu tư dự án) cho biết, dự án này chuyên sản xuất sợi chỉ polyester, sợi chỉ nylon và các loại chỉ may công nghiệp khác với quy mô 4.440 tấn sản phẩm/năm và ngay trong đầu tháng 3/2015, chủ đầu tư sẽ triển khai xây dựng nhà máy, để đưa vào hoạt động từ cuối năm 2015.
Việc các DN dệt may Hàn Quốc đổ vốn vào sản xuất nguyên phụ liệu dệt may không phải là hiếm trong thời gian gần đây. Điều này cũng không có gì ngạc nhiên khi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may VN dường như sẽ cầm chắc phần thắng. Chưa nói tới việc sản xuất để XK sang các nước mà chỉ tính riêng cho việc phục vụ các đơn đặt hàng của các DN trong nước cũng đã đủ để nhà đầu tư “thắng”. Bởi thực tế ở VN, rất ít DN đầu tư vào lĩnh vực này do đầu tư vào may thu hồi vốn nhanh hơn đầu tư vào các lĩnh vực dệt, nhuộm… Những DN biết “nhìn xa, trông rộng” như các DN Hàn Quốc chắc chắn sẽ không bỏ lỡ những cơ hội khi họ biết ngành dệt may VN đang được xem là những nhà cung cấp hàng đầu trên thế giới trong các sản phẩm dệt may. Ngay việc Cty Rio Indsutries, tuyên bố, việc đầu tư 6 triệu USD ở giai đoạn I chỉ là ban đầu, trong tương lai sẽ tiếp tục đổ vốn mở rộng đầu tư giai đoạn II đã nói lên việc họ đã tính toán rất kỹ về lộ trình tăng vốn khi dệt may VN “tăng tốc” khi tham gia TPP.
Thêm áp lực cho DN nội
Trong cuộc trao đổi với DĐDN gần đây, ông Hong Sun - Tổng thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc tại VN cũng khẳng định, chưa bao giờ DN Hàn Quốc quan tâm tới thị trường VN lớn như hiện nay. Ông Hong Sun cũng nhấn mạnh tới lĩnh vực dệt may, một trong những lĩnh vực đang được các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm nhất.
“Lượng đầu tư vào dệt may từ Hàn Quốc sang VN sẽ tăng mạnh, bởi hiện có nhiều nhà đầu tư muốn mở rộng đầu tư, sản xuất tại VN và XK sang nước thứ 3. Hơn nữa, với những chính sách mới về cấp phép lao động, chắc chắn cũng sẽ có nhiều người Hàn Quốc sang VN tìm cơ hội kinh doanh”, ông Hong Sun nói.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia việc DN Hàn Quốc hay bất kỳ một nhà đầu tư nào đầu tư vào lĩnh vực dệt may, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu đều có lợi cho ngành dệt may VN. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, điều này cũng đưa đến một sức ép không nhỏ cho các DN dệt may trong nước. Hiện nay, XK dệt may trên danh nghĩa là tăng nhưng thực tế một lượng lớn kim ngạch XK nằm trong tay các nhà đầu tư FDI với khoảng hơn 60%. Thậm chí, người ta còn dự đoán rằng tỉ lệ này sẽ còn cao hơn khi hàng loạt dự án đang được cấp phép đầu tư gần đây.
Vì vậy, ngay lúc này, các DN nội cần liên kết với nhau, chia sẻ kinh nghiệm để lớn lên, khai thác thế mạnh của mình. Mặt khác, cũng cần mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu dệt may cho dù khó và tốn kém. Nếu không, ngay cả khi TPP được ký kết, DNVN cũng không tận dụng được gì vì không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ và “nhường” thị phần cho nước ngoài. Mặt khác, các cơ quan nhà nước cần quản lý chặt việc chuyển giá của DN FDI để chống thất thu thuế cho nhà nước.
Theo dddn.com.vn