Giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu


Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hướng phát triển của ngành dệt may trong năm 2015 là nâng cao năng suất lao động và giảm dần phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu để nâng cao hiệu quả của hoạt động xuất khẩu.

Tăng năng suất lao động

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may cũng đã có định hướng rõ ràng hơn về tăng giá trị xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam. “Các công ty thành viên của chúng tôi đều triển khai quy trình sản xuất LEAN (sản xuất tinh gọn, đồng bộ) giúp triệt tiêu được lãng phí, tăng năng suất. Bên cạnh đó, chúng tôi sản xuất các mặt hàng có thương hiệu. Các mặt hàng này có giá trị cao, tuy nhiên năng suất lại giảm đi. Do đó, chúng tôi phải tính toán kĩ để vẫn đảm bảo hiệu quả”, ông Phạm Tiến Lâm, Tổng giám đốc Đức Giang chia sẻ.

Anysew.vn_Tăng năng suất lao động

May quần bò xuất khẩu tại Công ty TNHH May Nien Hsing, Khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình). Ảnh: Vũ sinh – TTXVN

Cũng giống như Đức Giang, Tổng Công ty May 10 cũng đã chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc May 10 cho biết, May 10 đã tăng năng suất lao động 7 - 10% thông qua việc sử dụng các thiết bị máy móc hiện đại, một người có thể điều khiển 2 máy thay vì cần đến 2 người như trước đây. “Chúng tôi không quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro. Chiến lược của chúng tôi là luôn giữ chân những khách hàng trung thành để khi có khủng hoảng thì họ vẫn lựa chọn chúng tôi đầu tiên”, ông Việt cho hay.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, nếu tính từ khi Việt Nam mới ký kết Hiệp định thương mại Việt Mỹ năm 2003, trong kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam chỉ có 20% giá trị là của người Việt Nam làm ra thì đến năm 2014 con số này là trên 50% bao gồm giá trị nguyên phụ liệu trong nước và các giá trị gia tăng khác. Như vậy, năm 2014 với khoảng 25 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, dệt may đã mang lại giá trị thặng dư thương mại 12 tỷ USD. Điều này cho thấy, tính cạnh tranh của ngành dệt may đã được cải thiện tích cực.

Chủ động nguyên liệu sản xuất

Dù có một số thuận lợi, nhưng trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Tăng trưởng liên tục trong 10 năm qua, nhưng hiện ngành vẫn đang loay hoay với bài toán “nan giải” tháo gỡ nút thắt về nguyên liệu, đặc biệt ở phân khúc nguyên liệu cho may gia công hàng XK. Theo bà Đặng Thị Phương Dung, nguyên nhân là do công nghiệp dệt sợi trong nước dù phát triển mạnh, nhưng khâu nhuộm lại yếu. Trong khi đó doanh nghiệp trong nước không đủ tiềm lực về vốn để có thể phát triển công nghiệp nhuộm, nhất là đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Ngoại trừ một số ít doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư vào sản xuất sợi, dệt và vải, phần lớn còn lại vẫn đang có tâm lý trông chờ chính sách chung của Nhà nước.

“Nếu các doanh nghiệp không giải quyết khúc mắc này, thời gian tới khi FTA, TPP có hiệu lực với yêu cầu truy nguyên xuất xứ sợi, vải sẽ là vật cản không nhỏ cho sự tăng trưởng của các doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành dệt may cũng dễ lâm vào tình trạng xuất khẩu “hộ” cho các doanh nghiệp ngoại khi khối doanh nghiệp ngoại với ưu thế vượt trội về nguồn vốn, công nghệ, đang triển khai nhiều dự án đầu tư lớn đón đầu vào sản xuất nguyên phụ liệu và may mặc”, bà Dung nói thêm.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, từ nay cho đến khi các hiệp định FTA, TPP được ký kết và có hiệu lực, vẫn còn thời gian cho doanh nghiệp trong nước tiếp tục mở rộng năng lực, đầu tư vào nguyên phụ liệu, liên kết giữa các khâu sản xuất sợi, vải và may để hoàn thiện chuỗi cung ứng.

Trong động thái tháo gỡ khó khăn, hiện Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang tiến hành đầu tư mạnh hơn cho sản xuất vải dệt kim và dệt thoi, trong đó riêng trong 2 năm 2015 - 2016 sẽ tập trung đầu tư các khu sản xuất nguyên liệu tập trung tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Theo kế hoạch đến hết năm 2016 tổng năng lực sản xuất vải dệt thoi từ nguồn sợi tại chỗ sẽ tăng hơn 40%, vải dệt kim tăng gấp đôi, sợi các loại tăng thêm 25% so với năng lực hiện tại… Bắt đầu từ 2017, với tổng mức đầu tư ước gần 9.000 tỷ đồng doanh nghiệp có thể chủ động được trên 55% vải các loại trong chuỗi doanh nghiệp của mình.

“Ngoài ra các doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng dịch chuyển nhanh từ gia công với tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu cao sang hình thức sản xuất tự chủ nguyên liệu và sản xuất trọn gói kèm thiết kế để đáp ứng yêu cầu người mua và tạo giá trị gia tăng cao hơn. Đây là hướng đi tất yếu và cần được ưu tiên của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2015 và những năm tới”, bà Dung cho biết.

                                                                                                    Theo baotintuc.vn

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)