Dệt may chuyển động đón thị trường mới


Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang trở thành DN đứng đầu với các dự án phát triển nguyên phụ liệu cho dệt may, với mục tiêu đến năm 2015 đạt 30.000 ha diện tích cây bông vải, 76.000 ha vào năm 2020 và đẩy mạnh chương trình phát triển vải dệt thoi đạt 1 tỷ mét/năm vào năm 2015.

Tăng trưởng ấn tượng

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ngành này vào năm ngoái đã xuất khẩu trên 24 tỷ USD, tăng xấp xỉ 19% so với năm 2013. Trong đó, riêng mặt hàng may mặc đạt trên 21 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ, còn lại là giá trị xuất khẩu xơ, sợi, dệt đạt trên 3 tỷ USD. Điều đáng chú ý là trong bối cảnh thị trường nhập khẩu dệt may thế giới không tăng trưởng nhiều thì xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang các thị trường này vẫn ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc như trên.

Anysew.vn_Dệt may chuyển động đón thị trường mới

Năng suất lao động của ngành dệt may vẫn còn hạn chế

Cụ thể, xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Mỹ tăng 12,5%, tới châu Âu tăng 17%, với Nhật Bản duy trì mức tăng 9%. Thị phần dệt may Việt Nam tại các thị trường chính đều có sự tăng trưởng tốt. Chẳng hạn như tại Mỹ, Việt Nam không chỉ là một trong ba quốc gia duy nhất có mức tăng trưởng dương, mà còn là nước vươn lên đứng vị trí thứ hai.

Tại Nhật Bản, dệt may Việt Nam cũng có vị thế tương tự. Điều này cho thấy khả năng cạnh tranh đã tốt hơn, sản phẩm dệt may hấp dẫn khách hàng nước ngoài.

Theo đánh giá từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2013 cao gấp 251,4 lần năm 1986, bình quân tăng 21,8%, cao hơn các con số tương ứng của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong cùng thời gian là 167,5 lần và 20,1%/năm.

Đây cũng là tốc độ tăng cao, gần như liên tục, vượt qua dầu thô đứng đầu trong các mặt hàng ngay trong hai năm 1997 - 1998, sau khi đạt được trên 1 tỷ USD và trở lại liên tục dẫn đầu từ năm 2009 đến năm 2012, chỉ nhường vị trí đứng đầu cho mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện từ năm 2013.

“Tỷ lệ nội địa hoá, sử dụng nguyên nhiên liệu trong nước tiếp tục tăng trong năm 2014, khi đạt tới trên 51% và thặng dư ngành dệt may Việt Nam năm nay đạt trên 12 tỷ USD. Đây là quá trình diễn ra dài hạn và chúng ta đang nâng cao tỷ lệ trong nước và đến khi các hiệp định có hiệu lực thì rõ ràng tỷ lệ này sẽ được cải thiện tốt hơn.

Đây là hướng đi mà cả DN tư nhân, DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài cũng như DN cổ phần đi theo và quyết tâm đặt mục tiêu này, khai thác tốt nhất các hiệp định thương mại mà Chính phủ ta đang và sẽ đàm phán thành công ở các quốc gia”, ông Trường kỳ vọng.

Mấu chốt là chủ động

Theo các DN trong ngành, việc tăng tỷ lệ nội địa hoá, chủ động nguồn nguyên phụ liệu trong nước đang là hướng đi chính để dệt may Việt Nam tiến tới hỗ trợ giảm nhập siêu. 2014 được xem là năm ghi dấu ấn trong ngành dệt may với mảng đầu tư, khi làn sóng “đổ vốn” cho các hoạt động sản xuất nguyên phụ liệu của cả DN trong và ngoài nước gia tăng.

Nhiều tập đoàn dệt may nổi tiếng lớn của nước ngoài đã đầu tư xây dựng nhà máy, phát triển nguyên phụ liệu như tập đoàn TAL (Hồng Kông) đầu tư 600 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt nhuộm và may mặc; Tập đoàn Yulun Giang Tô xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với vốn đầu tư 68 triệu USD, hay dự án của Tập đoàn Haputex Development Limited liên doanh với công ty Việt Hương đầu tư 120 triệu USD cho dự án chuyên về lĩnh vực dệt vải.

Còn ở trong nước, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang trở thành DN đứng đầu với các dự án phát triển nguyên phụ liệu cho dệt may, với mục tiêu đến năm 2015 đạt 30.000 ha diện tích cây bông vải, 76.000 ha vào năm 2020 và đẩy mạnh chương trình phát triển vải dệt thoi đạt 1 tỷ mét/năm vào năm 2015. Việc mở rộng đầu tư nguyên phụ liệu là nhằm đón đầu những cơ hội khi Việt Nam tham gia đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết.

Ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 cho biết, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, việc giảm các dòng thuế quan không những giúp DN tiếp cận được những thị trường cung cấp nguyên, nhiên liệu dệt may giá chất lượng cao mà còn mở rộng cơ hội thị trường xuất khẩu.

Là DN đã đầu tư mạnh vào khâu phát triển sản phẩm, cải tiến công nghệ với các sản phẩm quần áo sơ mi công sở cao cấp, May 10 nhìn thấy nhiều cơ hội hơn là thách thức nên đã chủ động đầu tư phát triển sản xuất, chuẩn bị “dọn đường” để hướng đến các thị trường mới mà Việt Nam tham gia đàm phán ký kết hiệp định thương mại.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty May thêu giày An Phước, việc tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại sẽ khiến DN dệt may bước vào cuộc chơi mang tính cạnh tranh cao hơn, trong khi chi phí sản xuất và năng suất lao động của ngành dệt may vẫn còn hạn chế.

Do đó, cùng với việc chủ động nguyên, nhiên phụ liệu trong sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm, thì việc cải tổ lại bộ máy tổ chức, hệ thống hoạt động của DN nhằm giảm thiểu chi phí và tăng năng suất.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ để phát triển thị trường mới, giúp DN khai phá và xây dựng được chỗ đứng vững chắc trên các thị trường mới tiềm năng.

                                                                                                         Theo thoibaonganhang.vn

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)