Báo Nikkei Asian Review (Nhật) cho biết ngành dệt may Việt Nam sáng giá nhất hiện nay, khi thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) giúp gỡ bỏ hàng rào thuế quan nhập khẩu hàng may mặc vào Mỹ.
Nhà máy may mặc Smart Shirt ở tỉnh Nam Định - Ảnh: Nikkei Asian Review
"Chúng tôi đã quyết định đúng khi xây nhà máy ở Việt Nam", quản lý sản xuất của công ty may mặc Smart Shirts (Hongkong) có nhà máy ở tỉnh Nam Định khẳng định.
Smart Shirts là nhà cung cấp cho nhiều thương hiệu quần áo danh tiếng ở Mỹ, Nhật và châu Âu. Với đơn hàng từ Mỹ tăng vọt trong những tháng gần đây, sản lượng của công ty tăng lên 24.000 bộ quần áo/ngày, cao hơn 30% so với năm 2013.
Nikkei Asian Review nhận định Việt Nam sẽ sớm hoàn tất thỏa thuận tự do mậu dịch song thương với châu Âu. Dự đoán xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ đạt 20 tỉ USD trong năm 2014 - gần bằng 80% Bangladesh.
Việt Nam cũng đang xâm nhập vào thị trường giày dép Mỹ, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỉ USD năm 2008 và 2,9 tỉ USD năm 2013.
Tháng 7-2014, công ty Itochu (Nhật Bản) bắt tay với các đối tác Việt Nam mở một nhà máy kéo sợi và dệt may tại đây và tuyên bố "Việt Nam vượt trội về khả năng cạnh tranh xuất khẩu dù chi phí lao động cao hơn các nước láng giềng".
Để hưởng lợi ích của TPP, nhà máy hiện sử dụng sợi và vải sản xuất ở Việt Nam.
Công ty Kyungbang (Hàn Quốc) và Texhong Textile Group (Trung Quốc) cũng chọn Việt Nam là địa điểm đặt các nhà máy sản xuất lớn, khi thu nhập của công nhân dệt may Việt Nam vẫn thấp hơn công nhân Trung Quốc 38%, theo ước tính của Forbes.
Động cơ chính đằng sau tốc độ tăng trưởng trên là Việt Nam cùng quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang tham gia vòng đàm phán TPP với Mỹ. Nếu hiệp ước được ký kết, mức thuế đánh vào hàng may mặc nhập vào Mỹ từ 0,8% - 37,5% sẽ được dỡ bỏ. Mỹ là nhà nhập khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Cục Quản lý Thương mại Quốc tế cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt 7,7 tỉ USD trong năm 2012, 8,8 tỉ USD năm 2013 và 9,8 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2014 - tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ II châu Á Bangladesh hầu hết sản xuất áo sơ-mi và các mặt hàng quần áo giá mềm khác, thì Việt Nam tập trung làm hàng cao cấp.
Theo tuoitre.vn