Chính sách phát triển CN hỗ trợ đã có nhưng chưa đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho công nghiệp hỗ trợ phát triển. Do vậy, nhiều Đại biểu cho rằng cần có luật phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Sáng ngày 17/11/2014, Quốc hội bước vào chương trình chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên trong Chính phủ trong 3 ngày từ 17 – 19/11/2014.
Tại phiên chất vấn buổi chiều, các Đại biểu Quốc hội đặt nhiều câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng về các vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái …
Mở đầu phiên chất vấn buổi chiều, Đại biểu Đồng Hữu Mạo – Thừa Thiên Huế đặt câu hỏi với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Ngày 31/7/2007, Bộ Công nghiệp đã có phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2010 và tầm nhìn 2020.
Trong đó xác định vai trò quan trọng của công nghiệp hỗ trợ là khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng đến nay, sau nhiều năm, công nghiệp hỗ trợ của VN chưa có bước phát triển mạnh mẽ và cụ thể. Theo Đại biểu, có phải VN thiếu những chính sách cụ thể để phát triển công nghiệp hỗ trợ?
Trả lời chất vấn của Đại biểu Đồng Hữu Mạo, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, công nghiệp hỗ trợ của VN trong thời gian qua còn rất nhiều vấn đề. Qua một số kỳ họp, các Đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ quan tâm và đề xuất giải pháp cho vấn đề này.
Thứ nhất, năm 2011 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12 về một số chính sách khuyến khích công nghiệp hỗ trợ. Tiếp theo, Chính phủ đã ban hành một số chính sách đối với 6 nhóm hàng hóa liên quan đến công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo ô tô, điện tử, dệt may, da giày, năng lượng … Gần đây nhất, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ công thương đã ban hành quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Theo Bộ trưởng, trong thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm đến chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng cấp độ pháp lý chưa đạt yêu cầu. Cơ chế chính sách đã có nhưng chưa đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho công nghiệp hỗ trợ phát triển. Do vậy, nhiều Đại biểu cho rằng cần có luật phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Thứ hai, khi nói đến công nghiệp hỗ trợ là nói đến linh kiện, phụ tùng, nguyên phụ liệu … Tuy nhiên, để phát triển các ngành này đòi hỏi quy mô lớn, sản xuất nhiều, giá thành có thể cạnh tranh được với thị trường thế giới; song dung lượng thị trường của VN chưa đủ tiềm lực.
Đối với ngành ô tô, các cơ sở sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhiều và khó có doanh nghiệp nào đáp ứng đủ yêu cầu cung cấp nguyên liệu, phụ tùng cho ngành ô tô. Sản xuất ô tô mỗi năm phải đạt trên 100.000 xe thì doanh nghiệp hỗ trợ mới phát huy được tiềm năng.
Trong khi đó, ngành dệt may và da giày có dung lượng sản xuất hàng hóa lớn. Theo thống kê, ngành dệt may có thể tự lo nguyên phụ liệu trong nước 50%; ngành da giày 60%. “Công nghiệp hỗ trợ muốn phát triển phải phụ thuộc vào quy mô của ngành” – Người đứng đầu ngành Công thương khẳng định.
Thứ ba, chuỗi giá trị toàn cầu được quyết định bởi những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và sử dụng các doanh nghiệp vệ tinh. Việt Nam là quốc gia đi sau nên việc len chân vào chuỗi giá trị toàn cầu còn khó khăn. Công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi lượng lớn nguyên vật liệu như thép, chất dẻo …; trong khi những mặt hàng này VN phải nhập khẩu nên khả năng cạnh tranh còn yếu kém.
Thứ tư, về vấn đề con người, ngành công nghiệp hỗ trợ là ngành thâm dụng lao động. Nguồn lao động của Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều cải thiện, song vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Theo cafef.vn