Đồng Tháp phát triển ngành may mặc


Hai năm qua, sự khó khăn chung của nền kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chỉ sản xuất cầm chừng để duy trì hoạt động, nhưng giai đoạn này lại là thời điểm "ăn nên làm ra" của ngành dệt may.

Anysew.vn_Đồng Tháp phát triển ngành may mặc

Đã có nhiều xí nghiệp, cơ sở may được xây dựng tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, giải quyết đáng kể việc làm cho người dân địa phương.

Thu hút các nhà đầu tư

Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp Nhị Văn Khải cho biết: Không kể các DN đã và đang hoạt động tại hai thành phố Sa Đéc và Cao Lãnh, tính từ năm 2013 trở về trước thì huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự được xem là hai địa phương thực hiện khá hiệu quả việc thu hút các công ty, xí nghiệp ngành may mặc đến đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ và thúc đẩy kinh tế vùng giáp biên ngày càng phát triển.

Theo Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hồng Ngự Nguyễn Văn Mến, tính đến nay, toàn huyện có hơn 10 cơ sở may mặc đang hoạt động, thu hút hơn 4.500 lao động. Mới đây, Công ty TNHH MTV TM DV SX Gia Bảo Hồng Ngự khởi công xây dựng xưởng may tại khu đất bãi bồi rộng hơn 2,3 ha thuộc ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền với tổng vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng. Dự kiến đến tháng 5-2015, xưởng may sẽ hoàn thành đi vào hoạt động với công suất khoảng 2,6 triệu sản phẩm/năm, giải quyết việc làm cho 1.500 lao động. Trong thời gian tới, Hồng Ngự sẽ có thêm một số công ty, xí nghiệp may mặc đi vào hoạt động, trong đó có nhiều xí nghiệp được các công ty đầu tư ở vùng cù lao, vùng biên giới như: Công ty may Tuyết Thành, Công ty Tuyết Sang, Công ty Gia Bảo... với tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Tương tự, huyện vùng sâu Tháp Mười cũng thu hút nhiều nhà đầu tư lĩnh vực dệt may.

Ngoài Công ty TNHH may mặc Tỷ Xuân thu hút hơn 2.000 lao động đã hoạt động hơn hai năm nay, trên địa bàn huyện còn có chi nhánh Công ty CP Sao Mai với 300 công nhân và nhiều cơ sở may khác nằm rải rác ở các xã. Hằng năm, Phòng Lao động phối hợp trường nghề huyện mở nhiều lớp may công nghiệp theo đơn đặt hàng của các công ty, cơ sở may này. Vừa qua, lãnh đạo huyện Tháp Mười đã ký biên bản ghi nhớ với nhà đầu tư là Tập đoàn Pou Yuen của Đài Loan (Trung Quốc) về dự án xây dựng nhà máy chuyên may hàng xuất khẩu như quần áo, giày dép. Nhà máy được khép kín từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm với quy mô hơn 10.000 công nhân.

Tăng trưởng nhanh

Thực tế từ Đồng Tháp cho thấy, từ đầu năm đến nay, ngành may mặc của tỉnh có bước tăng trưởng mạnh, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 9 triệu USD, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm 2013. Hiện đang có một làn sóng đầu tư vào thị trường nông thôn vừa để đón đầu Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng thời tận dụng giá công nhân khu vực này rẻ hơn nhiều so với khu vực thành thị. Với tình hình trên, ngành dệt may của tỉnh Đồng Tháp sẽ có sự phát triển khả quan hơn trong thời gian tới.

Ông Lê Minh Thuận, Phó Giám đốc Công ty CP Sao Mai cho biết: Năm 2013 lợi nhuận của Sao Mai tăng đến 45%, lương công nhân được nâng thêm 11,6%, đạt bình quân 3,3 triệu đồng/người/tháng. Hiện toàn công ty có 1.200 công nhân, tăng 200 công nhân so với đầu năm. "Hiện các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đều có dạy nghề may công nghiệp, nhưng hầu hết khi nhận công nhân vào làm việc, công ty chúng tôi phải đào tạo lại. Chúng tôi đã đặt vấn đề với lãnh đạo tỉnh về việc đào tạo lao động cũng như cần có thêm cơ chế ưu đãi cho DN sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may.

Theo tôi, đây là mấu chốt để dệt may trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Đồng Tháp trong tương lai", ông Lê Minh Thuận nhấn mạnh.

Ghé thăm xưởng may của Công ty Tuyết Thành ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, Giám đốc Công ty Đặng Văn Tuấn cho biết: "Công nhân làm việc ở đây được hưởng lương theo sản phẩm..., chúng tôi bảo đảm đồng lương phải đủ mức sống tối thiểu cho công nhân. Đây có thể xem là bước đi thực tế đầu tiên của chúng tôi trên vùng biên giới này. Nếu thành công, công ty sẽ đầu tư thêm nhiều xưởng may nữa, vừa giúp lao động ở địa phương có việc làm và thu nhập ổn định, vừa đưa công ty ngày một phát triển hơn".

Nữ công nhân Lê Thị Loan nói với chúng tôi: "Làm nghề may khỏe hơn đi làm ruộng nhiều... Nghề may phù hợp với phụ nữ tụi em, công việc vừa nhẹ, không phải ra ngoài nắng mà lại được ở gần nhà...". Ông Cao Thanh Tú, Quản đốc xưởng may góp thêm: "Số lượng công nhân ban đầu chỉ 70 người, nhưng đến nay đã tăng hơn 100 người, chủ yếu là người tại địa phương... Chị em ở đây chịu khó làm việc, đúng giờ giấc. Một số công nhân đã có tay nghề may từ trước, giờ về đây làm nòng cốt hướng dẫn lại cho người mới". Với mức lương ổn định từ 1,6 đến 4 triệu đồng/tháng, hiện nhiều lao động địa phương đã an tâm làm việc tại quê nhà.

Ngoài hai mặt hàng chủ lực là lúa gạo và thủy sản, những năm gần đây, may mặc trở thành một trong những ngành công nghiệp triển vọng của tỉnh Đồng Tháp. Hằng năm, ngành may mặc mang lại khoảng 2,42% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tạo việc làm cho hơn 10 nghìn lao động. Giám đốc Sở Công thương Nhị Văn Khải cho rằng, những năm qua tỉnh Đồng Tháp rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, năm 2012 Đồng Tháp có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ nhất cho nên các DN dệt may chọn Đồng Tháp làm điểm đến đầu tư. Tuy vậy, các DN cũng lưu ý tỉnh về việc cung ứng nguồn lao động và hỗ trợ DN chăm lo chỗ ở, môi trường sinh hoạt cho lực lượng công nhân.

                                                                                                          Theo nhandan.org.vn

 

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)