Trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU, EU có một số mặt hàng nhạy cảm như đường và sản phẩm có đường, gạo, thủy sản nên đang tìm mọi cách để hạn chế khả năng tiếp cận.
Thuế giảm nhanh
Theo đánh giá của các chuyên gia, FTA Việt Nam và EU khi được ký kết có thể sẽ giúp tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam tăng thêm từ 10-15% so với hiện nay. Ngoài ra, FTA sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng từ 30-40% và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng từ 20-25%.
Cắt nghĩa rõ hơn về những cơ hội Việt Nam có được từ FTA Việt Nam – EU, tại buổi khai trương dự án năng lực thương mại Việt Nam (TCV) và toạ đàm về tác động của FTA Việt Nam – EU do Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (MUTRAP) tổ chức ngày 12-11, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), cố vấn của đoàn đàm phán FTA Việt Nam – EU cho biết, FTA Việt Nam – EU mở ra cơ hội lớn về tiếp cận thị trường cho cả hai bên, trong đó Việt Nam chủ yếu cơ hội tiếp cận thị trường về thương mại hàng hóa, EU tiếp cận cơ hội về thị trường đầu tư, dịch vụ, mua sắm chính phủ.
Tuy nhiên, FTA Việt Nam – EU khác với các hiệp định Việt Nam đã ký với ASEAN. Các hiệp định với ASEAN là giảm thuế 90% trong lộ trình 10 năm còn với FTA Việt Nam - EU, tiêu chuẩn tối thiểu 90/7, tức là 90% dòng thuế về 0% trong vòng 7 năm nhưng hai bên sẵn sàng đi nhanh hơn mức ấy. Nhưng hiện EU có một số mặt hàng nhạy cảm như đường và sản phẩm có đường, gạo, thủy sản nên đang tìm mọi cách để hạn chế khả năng tiếp cận.
“Xét trên bình diện chung, EU sẵn sàng mở cửa nhanh hơn tạo điều kiện tốt để Việt Nam thâm nhập vào EU. Đây là thị trường bổ sung cho Việt Nam xuất khẩu dệt may, giày dép, gỗ, còn phía EU có công nghệ nguồn mà Việt Nam rất cần để điều chỉnh quan hệ thương mại với các nước trên thế giới theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc”, ông Tuyển cho biết.
Mặt khác, với dung lượng thị trường lớn, mức sống cao, cộng với trình độ phát triển khác nhau FTA Việt Nam – EU sẽ tạo ra thị trường vừa lớn, vừa đa dạng, bản thân DN lớn của Việt Nam cũng khó có thể xâm nhập được. Cùng với thương mại hàng hóa, lĩnh vực dịch vụ cũng tăng lên do các nhà đầu tư EU sẽ vào Việt Nam đầu tư để XK vào EU.
“Dự báo, tới đây hàng dệt may và giày dép sẽ phát triển. Hiện nay có xu hướng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc tới Việt Nam nên nhu cầu về dịch vụ sẽ tăng lên đáng kể”, ông Tuyển nói.
Xu thế quy mô không bằng tốc độ
Cơ hội đã được vị chuyên gia này phân tích rõ nhưng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đương đầu với rất nhiều thách thức khi FTA Việt Nam – EU được ký kết.
Cụ thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu áp lực cạnh tranh gay gắt trong khi tiềm lực về vốn, công nghệ của doanh nghiệp vừa và nhỏ yếu. Thêm vào đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng bị áp lực với lĩnh vực EU quan tâm là mua sắm chính phủ. Doanh nghiệp vốn ít chưa được tham gia vào nhiều công trình đấu thầu nên sẽ gặp khó khăn.
Vậy nên, ông Tuyển gợi ý, các DN vừa và nhỏ Việt Nam phải nắm vững xu thế trong thời đại ngày nay là quy mô không bằng tốc độ.
“Quy mô to hay nhỏ cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng tốc độ. Doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh đúng với tốc độ phát triển nhanh thì mới nhanh chóng biến doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn. Theo đó, chiến lược của doanh nghiệp là chiến lược về sản phẩm, chiến lược thị trường, tức là doanh nghiệp hướng vào đối tượng nào để định hướng phát triển sản phẩm”, ông Tuyển nói.
Một điều ông Tuyển lưu ý doanh nghiệp là việc chọn phương thức cạnh tranh, nếu cạnh tranh trên thị trường đã có đối thủ cạnh tranh đòi hỏi phải tạo ra sự khác biệt, chọn sản phẩm mới chưa có đối thủ cạnh tranh.
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam (VAFIE) cho biết, thương mại Việt Nam – EU tăng nhanh trong những năm gần đây, từ 6,8 tỷ USD năm 2005 (xuất khẩu 5,51 tỷ USD và nhập khẩu 1,3 triệu USD) lên 26,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2014. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU trong năm nay có thể lên tới 25 tỷ USD, bằng 4,53 lần năm 2005.
Theo baohaiquan.vn