Xây dựng chuỗi liên kết là chiến lược kinh doanh được kỳ vọng sẽ giúp DN vừa và nhỏ trong nước có đủ tiềm lực để cạnh tranh với các DN nước ngoài và trụ vững trên thị trường khi các Hiệp định Thương mại tự do được ký kết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các DN nước ta vẫn chưa chú trọng để thực hiện hình thức này.
Nhìn từ thực tế
Một bài toán đang được đặt ra khi Việt Nam chuẩn bị ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là làm thế nào để DN vượt qua được yêu cầu rất khắt khe về nguồn gốc xuất xứ (yan forward). Theo đó, bắt buộc nguyên phụ liệu phải được sản xuất trong nước hoặc đến từ các nước trong khối TPP. Thực tế, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2014, trị giá NK nhóm hàng nguyên vật liệu dệt may, da, giày ở nước ta là 12,61 tỷ USD, tăng 17% với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, thị trường NK chủ yếu là Trung Quốc: 4,95 tỷ USD, tăng 23,3%; Hàn Quốc: 2,07 tỷ USD, tăng 9,4%; Đài Loan: 1,69 tỷ USD, tăng 10%; Hoa Kỳ: 645 triệu USD, tăng 16,9%… so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn từ số liệu nêu trên, có thể thấy, nguồn nguyên phụ liệu mà nước ta đang NK chủ yếu đến từ những nước không thuộc khối TPP, đặc biệt là các thị trường “truyền thống” như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Đây sẽ là một bất lợi lớn của các DN Việt Nam nếu muốn hưởng những cơ hội và ưu đãi thuế quan từ TPP. Chính lúc này, giải pháp hình thành chuỗi liên kết trong nước được đặt ra để các DN chuyển sang sử dụng nguyên phụ liệu trong nước một cách thuận tiện nhất và có chất lượng cũng như giá thành tương đương hoặc tốt hơn sản phẩm NK.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bách, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Cổ phần may XK Việt Thái, trước xu thế hội nhập như hiện nay, DN rất cần sự liên kết, đặc biệt là các DN trong ngành sản xuất thế mạnh ở nước ta như dệt may. Cũng bàn về vấn đề này, ông Bùi Trọng Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may thêu đan TP. HCM cho biết, để đáp ứng những đòi hỏi của thị trường, các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ cần phải tìm ra mô hình kinh doanh thật hợp lý và hiệu quả, nếu nhận thấy khả năng của mình không thể trụ vững khi đứng một mình thì phải tìm đường liên kết. Tuy nhiên, điều quan trọng là DN phải tìm ra cách liên kết đúng và mang lại lợi nhuận khả quan.
Để khẳng định quan điểm của mình, ông Bách đã nêu ra ví dụ của các DN dệt may tại Hàn Quốc, các DN này thường có cổ phần tại các DN sản xuất vải, nguyên phụ liệu hay máy móc thiết bị để tạo lợi thế về thời gian giao hàng, chủ động nguyên phụ liệu, hiện đại hóa máy móc, giảm được phần nào phụ phí phát sinh.
Đồng quan điểm, ông Bùi Hồng Hòa, Giám đốc Công ty Giầy da Phương Quỳnh cho rằng, các DN da giày ở nước ta còn rất manh mún. Sản phẩm da giày cần nhiều công đoạn và chi tiết để hoàn thiện, phải là DN lớn hoặc tập đoàn mới có thể thực hiện được. Vì thế, nhiều DN da giày ở Trung Quốc đã chia bớt phần việc cho các công ty khác làm, liên kết lại với nhau, nên sản phẩm da giày tại Trung Quốc vừa có số lượng nhiều, sản xuất nhanh, chất lượng tốt mà giá thành rẻ.
Vẫn chỉ là hợp tác
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các DN sản xuất kinh doanh ở nước ta thường “mạnh ai nấy làm”, vì thế, DN trong nước rất dễ bị đánh bại bởi các DN nước ngoài hoặc DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ông Bùi Trọng Nguyên cho rằng, để cạnh tranh, giảm thiểu khó khăn cho DN thì giải pháp tăng cường liên kết là phù hợp nhất.
Hiện nay, việc liên kết đang được thực hiện dưới 2 hình thức là liên kết dọc và liên kết ngang. Liên kết dọc là các DN hợp tác, liên kết với nhau trong suốt quá trình sản xuất, mỗi DN cung cấp một sản phẩm, dịch vụ riêng biệt để đưa ra thị trường sản phẩm hoàn thiện, với giá cả cạnh tranh. Còn liên kết ngang là hình thức liên kết giữa các DN trong cùng một lĩnh vực để trở nên mạnh hơn, tạo ra nhiều sản phẩm hơn.
Tuy nhiên, dù biết được những cơ hội và thuận lợi của việc hình thành chuỗi liên kết, nhưng các DN đều đang gặp khó trong việc thực hiện. Theo ông Nguyễn Ngọc Bách, nguyên nhân vì liên kết nội địa rất yếu. Trong ngành dệt may, các DN trong nước chỉ thích hợp tác với các DN nước ngoài, hoặc các DN mới chỉ dừng lại ở mức độ các DN thân quen thì hợp tác làm ăn với nhau, chứ để hình thành nên một chuỗi liên kết thì phải rất lâu nữa mới thực hiện được.
Cùng chung nhận định, bà Nguyễn Thanh Thủy, đại diện thương mại Công ty TNHH Coats Phong Phú cho hay, các DN trong ngành dệt may có rất nhiều khách hàng để cung cấp nguyên phụ liệu, nên chưa thể hình thành được chuỗi liên kết và chỉ có thể hỗ trợ nhau dưới dạng: Cung cấp nguồn hàng, đào tạo về sản xuất, chất lượng… Việc liên kết chỉ có các DN lớn, tập đoàn quốc tế lớn mới thực hiện được, còn ở Việt Nam thì khó hơn vì việc này liên quan đến nhiều vấn đề, nhất là các DN phải có chung tiếng nói, đồng thuận làm ăn.
Lý giải nguyên nhân để Coats Phong Phú chưa có ý định thực hiện chuỗi liên kết, bà Thủy cho biết thêm, DN chỉ cung cấp nguyên phụ liệu dệt may với giá trị thấp, chiếm 1% tổng giá trị sản phẩm nên nếu có liên kết thì lợi nhuận thu về không đáng kể. Vì thế, trong ngành dệt may, chỉ có các DN sản xuất vải, sợi là nên thực hiện theo phương thức này.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các DN vừa và nhỏ TP. Hà Nội (HASMEA), khi các Hiệp định thương mại tự do tác động đến nền kinh tế, DN vừa và nhỏ nước ta cần xây dựng bài toán liên kết, một là tự thân các DN liên kết lại, hai là đứng đằng sau các ông lớn để trở thành một phần của chuỗi cung ứng, thành DN vệ tinh, hỗ trợ sản xuất đưa sản phẩm ra thị trường. Hình thành chuỗi liên kết có nhiều lợi ích nhưng nhận thức của các DN nước ta chưa tốt, đây là hạn chế cần khắc phục của DN trước những yêu cầu của hội nhập quốc tế.
Theo baohaiquan.vn