Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) da giày đáp ứng được các chỉ tiêu an toàn sinh thái sản phẩm từ các thị trường xuất khẩu (XK) nói chung rất thấp, phần lớn DN chưa quan tâm đến vấn đề này. Thực trạng này là một nguyên nhân quan trọng khiến khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm da giày Việt Nam còn hạn chế...
May giầy xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Giầy Thượng Đình. Ảnh: Quỳnh Anh
Nhằm đánh giá mức độ đáp ứng của các DN nhỏ và vừa (DNNVV) trong nước đối với yêu cầu an toàn sinh thái sản phẩm da giày tại thị trường EU, Viện Dệt may-Da giày và Thời trang (ĐH Bách Khoa Hà Nội) vừa tiến hành điều tra tại 139 DN chuyên sản xuất, kinh doanh da giày và nguyên phụ liệu tại Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh lân cận Hà Nội. Kết quả cụ thể cho thấy, vẫn còn nhiều DN chưa quan tâm đến các tiêu chí an toàn sản phẩm. Nguyên nhân, theo hầu hết DN phản ánh, là do những khó khăn trong việc đáp ứng các quy định này. Cụ thể là DN thiếu thông tin, phần lớn nguyên phụ liệu mua tại Việt Nam chưa đáp ứng được quy định; trong nước cũng chưa có các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn, kết quả đánh giá được EU, Mỹ... chấp nhận nên DN phải gửi mẫu ra nước ngoài, chịu chi phí cao.
PGS.TS Bùi Văn Huấn - Phó Viện trưởng Viện Dệt may - Da giày và Thời trang nhận xét: An toàn sản phẩm da giày là yêu cầu bắt buộc của các thị trường XK lớn nhưng vẫn khá mới mẻ và khó đối với các DNNVV sản xuất, XK của Việt Nam. Do vậy, công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho DN cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Tại Hội thảo "Hỗ trợ DN da giày đáp ứng tốt hơn các quy định an toàn sản phẩm" diễn ra ngày 30/9, đại diện Viện Dệt may cho biết: Riêng giai đoạn 2009 - 2014, những thông báo yêu cầu rút sản phẩm da giày Việt Nam khỏi thị trường EU chủ yếu liên quan đến vi phạm về hóa chất. Thực tế, da giày đang là ngành XK có tốc độ tăng trưởng nhanh của Việt Nam, song đa số hoạt động sản xuất và XK vẫn theo mô hình gia công nên việc tuân thủ phần lớn bị động theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Trong khi đó, "Sức ép của các rào cản kỹ thuật sẽ ngày càng tăng khi ngành da giày tăng tỷ lệ sản xuất và kinh doanh theo hình thức FOB. Trong nước lại chưa có quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm da giày... Đây là bài toán cần sớm được giải" - TS Nguyễn Văn Thông - Viện trưởng Viện Dệt may nhấn mạnh. Vì vậy, thời gian tới đây, ngành da giày Việt Nam cần xây dựng trang web cung cấp thông tin và đường dẫn để DN cập nhật tin tức về sự thay đổi yêu cầu từ phía người mua, tổ chức đào tạo về các vấn đề cụ thể cho DN. Về phía DN da giày, cần nhận thức đúng việc tuân thủ yêu cầu của người mua và sớm thay đổi cách thức hoạt động. DN cũng nên sớm triển khai các hệ thống quản lý liên quan đến chất lượng, hóa chất, môi trường và trách nhiệm xã hội, thực hành quản lý hóa chất tuân thủ, đi đôi với ứng dụng công nghệ sản xuất da giày bền vững.
Nhằm nâng cao năng lực cho các DNNVV ngành da giày tuân thủ yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm XK, Viện Nghiên cứu Da giày (Bộ Công Thương) đang thực hiện Dự án "Hỗ trợ các DN da giày đáp ứng tốt hơn quy định an toàn sản phẩm" kéo dài từ tháng 7/2014 - 12/2016, với tổng ngân sách hơn 314.975 Euro (88% do EU tài trợ).
Theo ktdt.vn |