Thiếu nhân lực, nhất là nhân lực quản lý cấp cao trong toàn chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp dệt may chấp nhận đi thuê với giá “cắt cổ”, thế nhưng, đắt chưa hẳn đã… xắt ra miếng.
Ngành dệt may Việt Nam đang thiếu nhân lực trên toàn chuỗi cung ứng
Thiếu và yếu
Ông Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghiệp dệt may thời trang Hà Nội (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) - cho biết: Tổng nhân lực của ngành dệt may hiện khoảng 2,5 triệu người, nhưng lao động công nghiệp chỉ chiếm khoảng 15%. Nghiêm trọng hơn, trên cả chuỗi cung ứng, trừ những khâu liên quan đến sản xuất may và sợi thì nhân lực của ngành thiếu toàn diện, gần như không có đơn vị nào đào tạo lực lượng này.
Theo ông Hoàng Xuân Hiệp, nếu không phát triển được nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực trong khâu thiết kế thời trang thì ngành dệt may không bao giờ giải quyết được vấn đề nâng cao giá trị gia tăng. Hiện tại, thiết kế thời trang của ngành mới chỉ dừng ở mức doanh nghiệp mở ra 1-2 cửa hàng, tạo và bán ra thị trường vài trăm sản phẩm mỗi năm. “Chỉ khi chúng ta có thiết kế thời trang phục vụ phương thức sản xuất ODM (tự thiết kế, sản xuất), OBM (tự sản xuất ra thành phẩm, phân phối) thì mới giải quyết tận gốc bài toán gia trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu” - ông Hiệp nói.
Ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - chia sẻ, khó khăn về nguồn nhân lực được đặt lên hàng đầu là do năng lực đào tạo trong nước rất hạn chế. Để có được nhân tài, doanh nghiệp buộc phải thuê, chấp nhận chi phí lớn. Thế nhưng, không phải nhân tài nào cũng phù hợp, chịu được áp lực công việc và doanh nghiệp buộc phải tìm người mới.
Ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam:
Để có được nguồn nhân lực giỏi, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn. Có thể tự đào tạo, tuyển dụng qua các trường hoặc đi thuê. Tuy nhiên, hình thức chủ động đào tạo nguồn nhân lực vẫn đem lại hiệu quả cao nhất…
Cần chủ động
Làm sao để tận dụng tối đa lợi ích từ các hiệp định thương mại là vấn đề đang làm nóng các diễn đàn kinh tế. Với ngành dệt may, quy tắc xuất xứ vẫn luôn là vấn đề thu hút nhiều sự chú ý bởi ngành đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, ông Hoàng Vệ Dũng lại cho rằng, khó khăn nhất của doanh nghiệp dệt may trong việc tận dụng các hiệp định thương mại là thiếu nguồn nhân lực, sau đó đến maketing, chuyển mẫu và duyệt mẫu… Đặc biệt, khi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam lên tới trình độ sản xuất ODM, OBM đòi hỏi khâu làm mẫu, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng… cực kỳ khắt khe. Do đó, đội ngũ lao động trong toàn hệ thống phải có tay nghề cao.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Xuân Hiệp nhấn mạnh: Nhân lực mới là nút thắt quan trọng nhất của ngành dệt may khi tận dụng các hiệp định thương mại. Ngành dệt may đã trải qua 2 làn sóng, thứ nhất là năm 2000, khi Việt Nam có BTA Việt Nam - Hoa Kỳ, thứ hai là năm 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO và sắp tới sẽ là làn sóng TPP. Tuy nhiên, giá trị gia tăng của ngành dệt may tăng lên không nhiều. Bản chất giá trị gia tăng chính là hàm lượng trí tuệ đóng góp trong sản phẩm dệt may. Vì vậy, ngành dệt may muốn nâng cao giá trị gia tăng, tận dụng tốt các hiệp định thương mại cần phải có nguồn nhân lực đủ mạnh.
Theo đó, doanh nghiệp cần cởi mở hơn trong việc sử dụng nguồn nhân lực, tránh phụ thuộc vào nhân lực có sẵn do các trường đào tạo. Doanh nghiệp phải chấp nhận đầu tư, chủ động đào tạo nhân lực cho chính mình.
Theo baocongthuong.com.vn