Hàng dệt may Trung Quốc sẽ dần ít thấy hơn tại các cửa hàng quần áo ở Mỹ, thay vào đó là hàng Việt Nam khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi vào thực hiện, theo Reuters.
Lao động tại một nhà máy dệt may Việt Nam ở Thường Tín, Hà Nội. Khi hiệp định TPP có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam sẽ giành thị phần áp đảo ở Mỹ - Ảnh: Reuters
Hàng dệt may Việt Nam hưởng lợi lớn
Từ ngày 1 - 10.9.2014, đại diện 12 nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương họp kín tại Hà Nội, Việt Nam liên tục 10 ngày để cố gắng đưa TPP chính thức hoạt động vào tháng 11.
Theo Reuters, Washington muốn đạt được một thỏa thuận mà trong đó Việt Nam sẽ là một trong những người chiến thắng lớn trong số các thành viên của TPP khi giành thị phần hàng may mặc từ Trung Quốc và của các nước không phải thành viên TPP. Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ TPP về hàng may mặc, chứ không phải láng giềng thân cận Mỹ như Mexico và Trung Mỹ.
Ngành dệt may trị giá 57 tỉ USD của Mỹ cũng lo ngại về TPP sẽ ảnh hưởng đến họ.
Ngày nay, nhờ có các hiệp định thương mại tự do mà một nửa lượng hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ là từ các nước ở phía nam nước Mỹ, nơi có nhân công rẻ, và hàng hoá này vào Mỹ miễn thuế.
Một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters rằng các công cụ như quy tắc xuất xứ, vốn quy định bao nhiêu phần trăm thành phẩm xuất phát từ địa phương là cần thiết để được quy chế miễn thuế theo TPP, và thời gian biểu khác nhau cho việc cắt giảm thuế có thể bảo vệ các lợi ích của khu vực trong khi cũng mang lại giá trị cho Việt Nam.
Những người Mỹ quen thuộc với các cuộc đàm phán thì tin rằng Việt Nam có thể lấy đi thị phần đáng kể từ Trung Quốc và các quốc gia khác không có ưu đãi thương mại (không tham gia TPP).
Ông Bill Jasper, Tổng giám đốc hãng sản xuất sợi tổng hợp Unifi (UFI.N) cho biết: "Nếu TPP gây thiệt hại cho khu vực Trung Mỹ thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp dệt may ở đây. Nhưng nếu cơ cấu và cách đàm phán TPP thông minh hơn thì đa số tác động sẽ đổ vào Trung Quốc chứ không phải Trung Mỹ”.
Mặt hàng quần áo là một ưu tiên đối với Việt Nam, nước đang là chủ nhà của vòng đàm phán về TPP trong tuần này, nhưng đó cũng chỉ là một trong nhiều vấn đề của các nước khác, trong đó có thể tìm kiếm sự nhượng bộ trong các lĩnh vực khác để đứng về phía Washington về vấn đề hàng dệt may.
Các quốc gia tham gia TPP gồm Mỹ, Việt Nam, Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.
Trong thực tế, cách đối xử khác nhau của các ngành hàng phụ thuộc vào tác động của nền kinh tế Mỹ, có nghĩa là phải chờ đợi lâu hơn để được cắt giảm thuế đối với hàng cotton như đồ lót và áo sơ mi dệt kim nam, trong đó Trung Mỹ có thị phần lớn hơn. Thuế suất đối với các sản phẩm mà Trung Quốc đang chiếm ưu thế, có thể được cắt giảm một cách nhanh chóng, đem lại cho hàng hoá Việt Nam một lợi thế lớn.
Vải lụa vốn không sản xuất hàng loạt ở các quốc gia TPP, có thể bỏ qua quy tắc xuất xứ vốn yêu cầu tất cả các đầu vào của sản phẩm quần áo làm từ sợi phải có nguồn gốc trong TPP, các quan chức Mỹ cho biết.
Tìm nguyên liệu đầu vào thay thế hàng nhập từ Trung Quốc
Việt Nam đã gia tăng xuất khẩu sang Mỹ đến 38% từ năm 2010 ngay cả khi thuế suất lúc đó chiếm đến 1/3 chi phí. Viện Peterson về mô hình kinh tế quốc tế dự báo rằng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Mỹ sẽ tăng đến 46% vào năm 2025, trong khi hàng xuất khẩu từ Mexico, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ giảm.
Dựa trên giá nhân công, các công ty dệt may Mỹ và Trung Mỹ không đọ lại nổi các đối thủ châu Á, cho dù các tiêu chuẩn về lao động và môi trường mà TPP sẽ áp đặt có thể làm chi phí sản xuất ở Việt Nam có tăng lên đi nữa.
Nước Mỹ có lợi thế với người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thời trang “nhanh” của các chuỗi bán hàng như Zara, H & M, Forever 21; cũng như bông vải giá rẻ, chất lượng cao. Những lợi thế này sẽ thu hút đầu tư đổ vào ngành công nghiệp bông vải của Mỹ. Thậm chí ông Wally Wang, phó tổng giám đốc tập đoàn Keer America nói rằng ngoài yếu tố nhân công, tất cả các yếu tố sản xuất khác tại Mỹ còn rẻ hơn tại Trung Quốc.
Hiện nay thị phần hàng may mặc Trung Quốc tại Mỹ đang giảm xuống dưới 37% tại thời điểm giữa năm 2014 từ mức hơn 39% vào năm 2000, trong khi thị phần hàng may mặc Việt Nam gia tăng nhanh hơn 10%.
"Việt Nam ít đắt đỏ hơn so với Trung Quốc, nhưng một khi các ưu đãi miễn thuế được áp dụng, sẽ tạo ra một sự khác biệt rất lớn", theo nhận xét của bà Julia Hughes, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp thời trang Mỹ.
Quy tắc xuất xứ theo TPP sẽ buộc Việt Nam tìm đối tác khác thay thế cho việc nhập sợi và vải từ Trung Quốc, trong khi đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp dệt sợi của mình và có thể tìm thêm nguồn cung cấp từ Malaysia hoặc Mỹ là các nước trong TPP.
Bộ Thương mại Trung Quốc và Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu dệt may Trung Quốc đã từ chối bình luận về vấn đề này, theo Reuters.
Tuy nhiên, nhiều công ty dệt may Trung Quốc đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam để tranh thủ hưởng lợi từ TPP.
Theo tinnong.vn