Để người dân ưu tiên dùng hàng dệt may Việt Nam, nhận thức phải được thay đổi từ chính những nhà lãnh đạo.
Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước để quảng bá thương hiệu. Ảnh internet.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, qua 5 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổng doanh thu nội địa của Vinatex tăng dần; nếu năm 2010 đạt 15.740 tỷ đồng, năm 2011 đạt 18.518 tỷ đồng, thì năm 2013 là 20.800 tỷ đồng và năm 2014 ước tăng 6,3% đạt khoảng 22.200 tỷ đồng.
Tổng số cửa hàng, đại lý trên toàn quốc của Tập đoàn và các đơn vị thành viên đạt 4.125, tăng trên dưới 5% một năm và dự kiến đạt 4.286 cửa hàng trong năm 2014.
Nhìn từ những con số trên có thể thấy, sản phẩm dệt may dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 thì hiện vẫn có một bộ phận người tiêu dùng “sính hàng ngoại”. Đây là một thực tế đáng buồn.
“Cùng là chiếc áo do May 10, Việt Tiến, Nhà Bè sản xuất nhưng khi chúng được mang thương hiệu của Valentino, Giordano thì bán với giá cao gấp 4-5 lần những chiếc áo mang thương hiệu Việt tại thị trường nội địa. Về chất lượng không khác gì nhau, nhưng người dân vẫn ưa chuộng dùng hàng mang thương hiệu ngoại hơn”, bà Huyền cho hay.
Điều này một phần là do tâm lý “sính ngoại” nhưng cũng một phần là truyền thông chưa đủ mạnh mẽ. Theo bà Huyền, để người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt thì các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các doanh nhân, đến các cán bộ viên chức hãy là những người đi đầu trong việc sử dụng quần áo mang thương hiệu nội địa. Có như vậy, mới tạo ra sự lan tỏa và cuốn hút mọi người, mọi tầng lớp tham gia mua và sử dụng hàng Việt.
Hiện Vinatex có khoảng hơn 70 công ty, song chỉ có khoảng chục đơn vị là phát triển được ở thị trường nội địa, có thương hiệu mạnh và có lãi. Do vậy, Nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp không xin tiền của Nhà nước mà cần Nhà nước hỗ trợ quảng bá thương hiệu để vinh danh các thương hiệu Việt, đồng thời có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu mạnh”, bà Huyền nói.
Ví dụ như tại Trung Quốc, nếu doanh nghiệp xuất khẩu được 1 USD thì sẽ được hưởng 14 cent, trong khi hiện nay doanh nghiệp Việt Nam chưa có cơ chế này. Số tiền này có thể giúp doanh nghiệp đầu tư ngược trở lại cho thị trường nội địa.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thì nhìn nhận: "Ngành may là niềm tự hào của Việt Nam, không để ngành may tự chống chọi mà dứt khoát phải có sự hỗ trợ của Nhà nước".
Theo đó, Nhà nước sớm có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng Việt Nam, tích cực khuyến khích chính sách cho sản xuất công nghiệp phụ trợ, tích cực tuyên truyền, không nên tuyên truyền theo cách "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam là yêu nước" mà phải có cách tuyên truyền sâu sắc hơn, để khách hàng không quên hàng Việt Nam.
Theo baohaiquan.vn