Đàm phán về dệt may trong TPP: Nhiều ẩn số


Quy tắc xuất xứ, biện pháp tự vệ, mô hình giảm thuế vẫn đang là những ẩn số trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dù kết quả cuối cùng thế nào, tất cả đều phải hướng tới lợi ích cốt lõi cho DN dệt may và cả nền kinh tế Việt Nam.

Anysew.vn_Đàm phán về dệt may trong TPP: Nhiều ẩn số

Muốn phát triển bền vững, ngành dệt may phải nâng cao giá trị gia tăng

Từ quy tắc xuất xứ…

Trong đàm phán TPP, các thành viên đã đề nghị quy tắc xuất xứ rất chặt chẽ với ngành dệt may, tức là tất cả các khâu từ sợi cho đến vải, cắt, may đều phải được thực hiện trong các nước TPP, khi đó sản phẩm dệt may mới hưởng ưu đãi về thuế nhâp khẩu.

Cho tới thời điểm này, tỷ lệ vải nhập khẩu dùng cho hàng may mặc Việt Nam xuất khẩu tương đối nhiều (khoảng hơn 70% từ Trung Quốc). Vậy với quy tắc xuất xứ đó, dệt may Việt Nam có thể có lợi ích khi tham gia TPP?

Phía Hoa Kỳ đã đưa ra sáng kiến giúp Việt Nam, như: Chấp nhận về hình thức và linh hoạt về mặt nội dung. Nghĩa là đề nghị Việt Nam chấp nhận quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi; đối với loại vải mà các nước TPP không có, Việt Nam cần có một danh mục vải nhập khẩu để làm ra sản phẩm may và sản phẩm vẫn được coi là có xuất xứ Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán TPP:

Để bảo đảm sự phát triển bền vững cho ngành dệt may, không còn cách nào khác là phải nâng cao giá trị gia tăng và chủ động được cả về sợi, dệt, nhuộm và vải.

Dù vậy, các chuyên gia nhận định, nếu một quy tắc xuất xứ đơn giản được chấp nhận, các DN Việt Nam sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện đầu tư thêm vốn và công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tạo thêm khả năng cạnh tranh cho hàng hóa. “Sẽ không DN nào chịu đầu tư vào sợi, dệt và vải để gia tăng hàm lượng công nghệ cao cho sản phẩm, nếu như chỉ dựng lên một xưởng may, nhập vải về, cắt, may là có thể kiếm được lợi nhuận từ xuất khẩu. Do vậy, chừng nào còn chấp nhận quy tắc xuất xứ đơn giản, chúng ta chỉ có thể tiếp tục đi làm gia công”- chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định.

Quy tắc xuất xứ từ sợi mới nghe có vẻ rất khó và chặt chẽ, nhưng để hưởng được ưu đãi trong TPP, các DN phải đầu tư vào làm vải. Nếu các DN đầu tư được vào vải thì chẳng những tăng lợi nhuận hàng xuất khẩu mà còn giúp Việt Nam nâng cao kỹ năng tay nghề người lao động, tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Đến biện pháp tự vệ

Bên cạnh quy tắc xuất xứ khắt khe, các nước thành viên TPP đang đề xuất biện pháp tự vệ riêng với hàng dệt may nhập khẩu.

Khi đàm phán để giảm thuế nhập khẩu với hàng dệt may, các nước cũng đàm phán một điều khoản tự vệ, tức là một quốc gia đồng ý giảm thuế cho các thành viên khác nhưng nếu hàng hóa của quốc gia đó sau khi được giảm thuế sẽ tăng lên một mức đột biến (khoảng 20- 30%), khiến cho sản xuất tại các nước khác gặp khó khăn, thì các quốc gia có quyền đưa thuế trở lại mức cũ nhưng sẽ đền bù bằng một mặt hàng khác.

Mấu chốt ở đây là các quốc gia có thể “bóp cò” biện pháp tự vệ đó vào thời điểm nào với mức độ gia tăng hàng nhập như thế nào? Ở một khía cạnh nào đó, biện pháp này cũng gây bất lợi cho Việt Nam bởi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới và việc gia tăng xuất khẩu nằm trong mục tiêu phát triển dài hạn của các DN.

                                                                                 Theo baocongthuong.com.vn

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)