Do cơ chế giám sát đặc biệt hàng dệt may của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, nên các doanh nghiệp nhập khẩu nước này đã thận trọng hơn trong việc lấy hàng dệt may từ Việt Nam. Theo dự tính nếu không có cơ chế trên thì xuất khẩu hàng dệt may có thể sẽ tăng trưởng mạnh hơn.
Theo Bộ Thương mại, mục tiêu xuất khẩu hàng dệt may năm 2007 là 7,35 tỉ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước đạt 4,24 tỉ USD.
Ông Phạm Thế Dũng, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Thương mại cho rằng, cơ chế giám sát hàng dệt may của Hoa Kỳ là việc mà ngay cả phía Hoa Kỳ cũng rất mơ hồ. Thời gian tới đây cơ chế này sẽ không là vấn đề lớn đối với hàng dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, Hoa Kỳ sẽ thay thế cơ chế giám sát bằng một hình thức khác, họ thành lập “đội nhảy” (Jump Team), đội này sẽ kiểm tra và xử lý bất cứ thời điểm nào khi nghi ngờ có dấu hiệu phá giá, gian lận thương mại trong xuất khẩu hàng dệt may từ Việt Nam.
Ông Lê Văn Đạo, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Hiện nay nóng nhất là cơ chế giám sát đặc biệt của Hoa Kỳ làm cho các nhà nhập khẩu lo lắng. Tuy nhiên, cần xem xét các yếu tố chương trình giám sát của Mỹ có ảnh hưởng nhiều trong thời gian tới hay không. Hiệp hội Dệt may cũng đã thuê tư vấn về việc giám sát này. Hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam hiện gia công còn nhiều và hầu hết nguyên liệu đều nhập khẩu, nên khó xảy ra một vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng dệt may Việt Nam sang Hoa Kỳ. Hiện nay mức độ giảm giá của các “cat” nhạy cảm còn thấp, không tới 1% trong khi thị phần chiếm giữ lại quá nhỏ (cụ thể: loại áo T-shirt 6 tháng đầu năm 2007 giá giảm khoảng 0,7% so với cùng kỳ, hoặc chỉ lên 0,09%).
Tuy nhiên, hiện tại thị trường Hoa Kỳ chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2007 khoảng 34% so với cùng kỳ. Vì vậy để tránh rủi ro vì tập trung xuất quá nhiều vào thị trường Mỹ, Thứ trưởng Bộ Thương mại Nguyễn Thành Biên khuyến cáo: “Ngoài việc phát triển thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp nên mở rộng và chú ý đến các thị trường khác như: Nhật đang có tốc độ tăng trưởng khá, 6 tháng 2007 đạt 13,4%, đặc biệt là EU đạt 17,6%. Hai thị trường này sẽ góp phần tăng tốc kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam”.
Để mở rộng hàng xuất khẩu vào châu Âu thì các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải nỗ lực chuẩn bị các đơn hàng cho thị trường này ngay từ bây giờ. Vì đến thời điểm 2008, EU sẽ dỡ bỏ hàng rào hạn ngạch đối với hàng Trung Quốc, lúc đó hàng dệt may Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường châu Âu thì việc gia tăng hàng dệt may Việt Nam vào EU sẽ rất khó khăn.(Báo Thương mại điện tử)
Theo vietnamembassy-slovakia.vn