Căng thẳng trên Biển Đông đã góp phần gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng, đến lúc ngành dệt may, da giày phải chủ động nguồn nguyên liệu ổn định và đa dạng.
Giảm phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc
Nhiều quan điểm cho rằng, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang nhập khẩu rất nhiều nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, việc giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ một thị trường chính không chỉ là giảm rủi ro trước mắt mà quan trọng là lợi ích lâu dài từ việc khai thác các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang đàm phán.
Trong bối cảnh ngành dệt may, da giày trong nước phụ thuộc tới 60-70% nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài mà phần lớn là Trung Quốc, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã có công văn kêu gọi các DN trong ngành chủ đông tìm các thị trường tiềm năng khác.
Ngay sau đó, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng đã họp khẩn với lãnh đạo các DN thành viên để tìm giải pháp mở rộng thị trường mới đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu, giữ vững vị thế xuất khẩu. Và giải pháp chấp nhận giảm lợi nhuận trong thời gian đầu khi mua nguyên liệu từ thị trường mới được các DN Vinatex nhất trí cao.
Trước mắt, các đầu mối cung cấp nguyên phụ liệu dệt may, da giày tại Ấn Độ, Hàn Quốc, Banglades, Indonesia… sẽ là mục tiêu của các DN dệt may Việt Nam. Cụ thể, DN có thể nhập xơ từ Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia; nhập sợi từ Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia hoặc nhập vải từ Hàn Quốc, Malaysia…
Căng thẳng trên Biển Đông gióng hồi chuông cảnh báo:Ngành dệt may, da giày phải chủ động nguồn nguyên liệu ổn định và đa dạng (Nguồn: Thanh Niên)
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi sách Việt Nam cho biết: “Thực ra chúng tôi đã bàn bạc về đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu từ mấy năm trước và thúc đẩy hoạt động tìm thị trường mới từ lâu nhưng rất khó khăn. Theo quan điểm của tôi, chúng ta không nên có suy nghĩ loại bỏ thị trường Trung Quốc mà chỉ hạn chế, tránh phụ thuộc. Đây cũng chính là phân công xã hội. Nhập khẩu nguyên phụ liệu từ quốc gia này cũng có những thuận lợi về giá cả, mẫu mã, thời gian... Còn tương lai, việc lựa chọn những thị trường khác lại phải phụ thuộc vào khách hàng. Nếu hàng cao cấp sẽ hướng đến các thị trường như Đài Loan, Hàn Quốc…”.
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng Giám đốc Công ty CP May Hưng Yên chia sẻ: “Chúng ta có thể hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc và chuyển sang thị trường Ấn Độ, song thời gian cung ứng của thị trường này sẽ lâu hơn, giá thành cao hơn…Khi đó, e là khách hàng lại đắn đo”.
Ông Dương cũng cho biết thêm, cũng có một số loại nguyên phụ liệu sản xuất được trong nước nhưng giá lại gấp đôi của Trung Quốc bởi chi phí đầu vào cao.
Hiện ngành dệt may Việt Nam đã đảm nhận những đơn hàng xuất khẩu có độ khó như đồ vest, jacket, đồ thể thao hay thậm chí là hàng thời trang sản xuất với số lượng ít nhưng chất lượng cao… đã tạo được sự tin cậy của đối tác .Vì vậy, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hình thành chuỗi cung ứng trong nước đang trở thành nhu cầu cấp thiết của ngành dệt may hiện nay.
Nhiều quan điểm cho rằng, để tránh sự lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu từ nước ngoài, giải pháp tốt nhất hiện nay là ngành dệt may xuất khẩu của Việt Nam bớt dần các sản phẩm thuộc phân khúc thấp và áp lực cạnh tranh cao về giá để tiếp cận dần vào phân khúc hàng hóa trung và cao.
Khi đó, các DN có thể chọn lựa nhiều nguồn cung cấp hơn từ Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ… mà không ảnh hưởng nhiều đến giá thành.
Được biết, hiện tại có DN đã chủ động đặt chi nhánh tại thị trường Mỹ để nhận được đơn hàng trực tiếp, có DN thuyết phục được khách hàng dùng vải nội địa thay thế cho vải nhập khẩu… Đây đang được xem là những tín hiệu vui cho bước chuyển mình của ngành dệt may, da giày Việt Nam.
Cơ hội từ các hiệp định song phương, đa phương
Các hiệp định song phương, đa phương sẽ mở ra cơ hội cho ngành dệt may, da giày Việt Nam. Khi đó, các DN xuất khẩu sẽ có nhiều lợi thế giảm thuế nhập khẩu.
Chẳng hạn, với Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), dệt may được kỳ vọng sẽ là mặt hàng hưởng lợi nhiều nhất.
Theo ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, kiêm Phó tổng giám đốc thường trực Vinatex, do có đến 60% thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam tập trung vào các nước thuộc khối đàm phán TPP nên khi tham gia Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi đáng kể về thuế quan. Đơn cử với thị trường Hoa Kỳ, hàng dệt may Việt Nam hiện chịu thuế suất khoảng 17 – 18%, khi Hiệp định TPP được ký kết thuế suất này sẽ giảm dần xuống 0%.
Dù vậy, bên cạnh những lợi thế mang lại, các DN dệt may, da giày Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ví như việc chủ động nguồn nguyên liệu trong nước hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng về nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa. Khi xuất khẩu hàng hóa vào những thị trường mà Việt Nam đã kí kết các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Mỹ, thì yếu tố nguyên liệu trong nước sẽ đáp ứng yêu cầu về các quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan. Trong khi đó, phần lớn các nguyên phụ liệu để các DN Việt Nam gia công vẫn đang phải nhập khẩu. Và đây chính là rào cản là rất lớn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: “ Những gì mà ngành dệt may, da giày Việt Nam đạt được từ các hiệp định đa phương, song phương sẽ phụ thuộc vào việc các DN chủ động nguồn nguyên phụ liệu đến đâu? Cải cách cơ cấu xuất khẩu đến đâu? Đây cũng đồng thời là cơ hội để DN Việt Nam nỗ lực hơn trong sản xuất, chế biến, giảm chi phí sản xuất…để tận dụng tối đa các lợi ích mà các hiệp định mang lại”.
Do vậy, với TPP, hàng Việt Nam sẽ được khuyến khích sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước, nội khối và trong dài hạn, điều này sẽ thúc đẩy Việt Nam đầu tư vào khâu sản xuất nguyên liệu mà đối với ngành dệt may, da giày là sản xuất sợi, dệt và nhuộm… Hơn nữa, điều quan trọng là ngành công nghiệp Việt Nam sẽ có thêm cơ hội để phát huy nội lực của mình, đó là xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên liệu phụ trợ để phục vụ cho sản xuất trong nước mà không sợ bị phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào./.
Kỳ tiếp: Tạo “cú đấm” cho ngành dệt may, da giày
Theo toquoc.gov.vn