Tái cơ cấu mặt hàng và thị trường xuất khẩu: Trong "nguy" có "cơ"


Việc mở rộng thị trường mới là hướng đi của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường nhất định.

6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt gần 71 tỷ USD (gần bằng với mức cả năm 2010), tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, gấp gần 3 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế…Những con số này cho thấy xuất khẩu vẫn là điểm sáng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những con số đáng mừng thì việc đa dạng hóa và chủ động về thị trường xuất khẩu để tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định, cùng với đó là gia tăng giá trị xuất khẩu vẫn là những bài toán đặt ra để hướng đến xuất khẩu bền vững.

Hàng nông sản hiện chiếm tới hơn 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Nhìn tổng thể, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản của cả nước ước đạt gần 15 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, từ tháng 5 tới nay, trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông, xuất khẩu một số hàng nông sản sang Trung Quốc gặp khó khăn và giảm sút, ảnh hưởng không nhỏ đến người sản xuất. Bởi thời gian qua, các mặt hàng như lúa gạo, cao su xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 40%. Còn dưa hấu, thanh long, vải thiều, sắn…thị trường Trung Quốc chiếm tới 80-90%.

Trong bối cảnh này, việc mở rộng thị trường mới càng trở nên cấp thiết. Đây cũng chính là hướng đi của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới để tránh phụ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường nhất định.

Anysew.vn_Tái cơ cấu mặt hàng và thị trường xuất khẩu: Trong "nguy" có "cơ"

Tập trung vào gia công sẽ khiến hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng rất thấp. (Ảnh: Internet)

Đại diện Tổng Công ty rau quả và nông sản, ông Phạm Quốc Thái chia sẻ: Xuất khẩu 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, do 1 số thị trường có biến động. Kim ngạch xuất khẩu giảm 30-40% so với năm ngoái. Thời gian tới dự báo xuất khẩu vẫn còn khó khăn. Định hướng của công ty sẽ đa dạng hóa thị trường, sản xuất mặt hàng có giá trị gia tăng cao như dứa, vải đông lạnh xuất khẩu đi thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí xuất sang Mỹ và một số thị trường mới.

Một vấn đề lớn nữa đang đặt ra đối với xuất khẩu của Việt Nam là gia tăng giá trị sản phẩm, giảm dần tình trạng nhập siêu. Đồng thời giảm bớt phụ thuộc về nhập nguyên phụ liệu ở một thị trường, để tránh rủi ro khi thị trường đó có biến động.

Trong 6 tháng qua, Việt Nam nhập hàng hóa, nguyên phụ liệu nhiều nhất là từ thị trường Trung Quốc, với kim ngạch ước đạt 20,4 tỷ USD. Nhìn vào dệt may, một ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, 6 tháng đầu năm xuất khẩu đạt hơn 10 tỷ USD, nhưng cũng chưa thể vội mừng.

Bởi phần lớn nguyên phụ liệu của ngành dệt may vẫn phải nhập từ nước ngoài, trong đó tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 40%. Chưa kể, dệt may hiện vẫn chủ yếu là gia công, nên giá trị gia tăng rất thấp, chỉ chiếm từ 5-10% trong trị giá xuất khẩu toàn ngành mỗi năm.

Do đó, theo ông Trần Văn Khang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần may Đông Bình (Bắc Ninh), bên cạnh con số tăng trưởng xuất khẩu, thì vấn đề cốt lõi hiện nay là phải giảm phụ thuộc nguyên phụ liệu từ nước ngoài bằng cách nội địa hóa các nguyên phụ liệu, tập trung gia tăng giá trị sản phẩm:

“Gần đây chúng tôi đang chuyển sang phương thức FOB và đẩy mạnh sử dụng nhiều nguyên phụ liệu trong nước. Trong đó nội địa hóa một số nguyên phụ liệu để phục vụ cho đơn hàng FOB. Hoặc đẩy mạnh mua nguồn vải ở các thị trường khác như Thái Lan, Singapore… nhằm giảm bớt việc phụ thuộc vào nguyên liệu ở 1 thị trường”, ông Khang nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, để giảm bớt phụ thuộc vào nguyên phụ liệu từ nước ngoài, đòi hỏi phải có chiến lược đầu tư vùng nguyên liệu cũng như các cơ sở sản xuất giúp sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị, từ đó hàng xuất khẩu có thể tham gia vào nhiều thị trường khác nhau với giá trị cao hơn.

Việc ngành dệt may thời gian qua thu hút nhiều dự án đầu tư vào công nghệ dệt, nhuộm hoàn tất hoặc ngành công nghiệp phụ trợ đang được tập trung phát triển…là hướng đi đúng đắn trong chiến lược xuất khẩu các mặt hàng chủ lực.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: Chúng ta cần sản xuất ra những mặt hàng có chất lượng cao mới bán được giá cao, trong đó phải chuyển từ trình độ gia công theo đơn hàng của doanh nghiệp nhập khẩu sang tự thiết kế, phải có thương hiệu, tự tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài để nâng cao hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng cho sản phẩm của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, trong nửa đầu năm nay đã có 13 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Khả năng năm nay, lần đầu tiên Việt Nam có 2 mặt hàng (điện thoại, dệt may) vượt qua mốc kim ngạch 20 tỷ USD. Một điểm đáng mừng là khu vực doanh nghiệp trong nước tuy còn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng tốc độ tăng đã cao hơn so với trước đây, đạt mức 11,6%.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp, có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đối với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, chủ trương của Chính phủ là đẩy mạnh tái cơ cấu mặt hàng và thị trường xuất khẩu, đồng thời có những chính sách hỗ trợ kịp thời đối với các doanh nghiệp.

“Đứng trước tình hình hiện nay, chủ trương của Chính phủ là mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới và các thị trường nhập khẩu mới để tránh phụ thuộc vào 1 đối tác. Bên cạnh đó cần tăng cường phát triển cơ sở sản xuất ra nguyên phụ liệu. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách cho sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng, tăng khả năng xuất khẩu ngày càng ổn định và bền vững”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ Công Thương, Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Việc tham gia các hiệp định thương mại này sẽ mở cửa thị trường hàng hóa, tạo điều kiện cho những mặt hàng có lợi thế của chúng ta như dệt may, gia dày, nông sản…thâm nhập với quy mô lớn hơn vào các thị trường tiềm năng, giảm bớt phụ thuộc vào một vài thị trường xuất khẩu nhất định và đảm bảo xuất khẩu ổn định, bền vững./.

                                                                                                           Theo vov.vn

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)