Ngày 22/7, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Tại phiên đấu giá này, Vinatex sẽ IPO với khối lượng 121.999.150 cổ phần, chiếm 24% vốn điều lệ (gần 1.220 tỷ đồng) với giá khởi điểm 11.000 đồng mỗi cổ phần.
Là doanh nghiệp có tên tuổi lớn trọng ngành dệt may, IPO của Vinatex được không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước trong cùng lĩnh vực đặc biệt quan tâm.
Vốn điều lệ của Vinatex là 5.000 tỷ đồng, trong đó nhà nước dự kiến nắm 51% và bán cho nhà đầu tư chiến lược 120 triệu cổ phần, tương đương 24% vốn.
Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) một trong những lợi thế của doanh nghiệp là tiềm năng tăng trưởng doanh thu vững chắc nhờ hưởng lợi từ việc xuất khẩu.
“Một trong những điểm mạnh của Vinatex có tiềm năng tăng trưởng doanh thu vững chắc. Ngành dệt may Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng sẽ tiếp tục có lợi từ thị trường xuất khẩu đang tăng trưởng (trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Mỹ tăng 14,6%, sang EU 3% và Nhật Bản 33%)”, theo SSI.
Vinatex có tiềm năng tăng trưởng doanh thu vững chắc
Tiềm năng tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam sẽ còn cao hơn nữa nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA), như FTA Việt Nam – EU, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – Hàn Quốc.
Vinatex dự kiến doanh thu của công ty mẹ sau cổ phần hóa trên 3.941 tỷ đồng trong năm 2014, và dự báo trong năm 2015 trên 6.408 tỷ đồng và 2016 là trên 9.105 tỷ đòng.
Đến 2016, tập đoàn phấn đấu mức doanh thu hợp nhất 53.700 tỷ đồng và 2.144 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Quy mô vốn chủ sở hữu Tập đoàn được dự báo tăng 41% vào cuối 2016, lên mức 9.148 tỷ đồng.
Với mức 11.000 đồng/cổ phiếu Vinatex, không ít chuyên gia cho rằng, từ vị thế và lợi thế cạnh tranh của Vinatex cũng như những thuận lợi mà ngành dệt may Việt Nam đang có, việc đầu tư với mức chênh lệch này cũng không hẳn là quá rủi ro.
Nhưng, với sự hạn chế về thông tin trước khi doanh nghiệp cổ phần hóa, không có đủ cơ sở để khẳng định đây thực sự có phải là một khoản đầu tư hứa hẹn tiềm năng sinh lời tốt hay không?
Băn khoăn của các nhà đầu tư là hoàn toàn có cơ sở. SSI chỉ ra rằng, rủi ro đối với cổ phiếu của Vinatex là Tập đoàn này có lợi nhuận không hấp dẫn, vì hầu hết các nguồn doanh thu của Vinatex đến từ hoạt động gia công (may mặc) vốn có lợi nhuận thấp.
Tính từ năm 2011 đến nay, doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vinatex giảm dần, năm 2011 đạt 21.989 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 833 tỷ đồng thì đến 2012 giảm chỉ còn 13.526 tỷ đồng và 717 tỷ đồng, sang 2013 còn thê thảm hơn, với 11.608 tỷ đồng doanh thu và 272 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Cũng theo SSI, thì với mô hình Tập đoàn, Vinatex ít tham gia hoạt động sản xuất. Điều này phần nào được phản ánh thông qua việc doanh thu 2013 từ ngành cốt lõi là 116 tỷ đồng trong khi thu nhập nhờ hoạt động tài chính lên tới 423 tỷ đồng.
Theo baodautu.vn