Trong khi tăng trưởng nhập khẩu dệt may tại các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc không cao, thì xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang các quốc gia này lại đang hết sức lạc quan. Theo ông Trần Việt, Trưởng Ban Thị trường Tập đoàn Dệt may Việt Nam, mức tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may tại các thị trường Mỹ là 14,5%, Châu Âu là 11,3%, Nhật Bản đạt 11,6% và Hàn Quốc đạt 30,1%. "Điều này cho thấy ngành dệt may Việt Nam ngày càng có uy tín và sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế" - ông Việt nói. Trong đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã có đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng ngành dệt may Việt Nam. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2014, Vinatex có doanh thu 25.250 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,62 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn này đang tập trung đẩy mạnh các dự án đầu tư để hoàn thiện chuỗi cung ứng Sợi - Dệt - Nhuộm hoàn tất - May, nhằm đa dạng hóa nguồn cung, tăng tỷ lệ nội địa hóa và dần hướng theo phương thức sản xuất ODM, tiếp tục là đầu kéo quan trọng, dẫn dắt toàn Ngành hoạt động ngày một chuyên nghiệp hơn, nâng cao giá trị gia tăng của hàng dệt may Việt Nam. "Hiện Tập đoàn Vinatex đang trình Bộ Công thương phê duyệt các tiêu chí và danh sách nhà đầu tư chiến lược. Vinatex có tối đa 3 nhà đầu tư chiến lược, trong đó 1 nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính, tối đa 2 nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, phân phối. Khả năng cổ phiếu Vinatex bán ra sẽ thành công do Vinatex đã tìm được nhà đầu tư chiến lược, và tỷ lệ cổ phiếu bán ra phù hợp với năng lực hấp thụ vốn của thị trường" - ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc thường trực Vinatex khẳng định. Cũng theo lãnh đạo Vinatex, dự kiến trong 6 tháng cuối năm, khi các thị trường chính của Vinatex nói riêng và doanh nghiệp dệt may nói chung đều có tín hiệu tăng trưởng tốt, tình hình xuất khẩu của dệt may Việt Nam sẽ rất khả quan, toàn ngành hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu cả năm trên 24 tỷ USD.
Theo motthegioi.vn |