Duy trì quan hệ thương mại với Trung Quốc, đồng thời tăng cường các biện pháp hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này là mục tiêu đang được nhiều ngành sản xuất triển khai.
Đầu tuần trước, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã họp khẩn với lãnh đạo các doanh nghiệp thành viên để tìm giải pháp mở rộng thị trường mới đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu, giữ vững vị thế xuất khẩu.
Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc thường trực Vinatex cho rằng, dù chưa thể xoay chuyển tức thì, nhưng ngay từ lúc này, mỗi doanh nghiệp cần có lộ trình để giảm thiểu lệ thuộc nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu từ bất cứ thị trường nào chứ không riêng gì Trung Quốc. Hiện hơn 50% nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tiêu dùng nội địa và xuất khẩu của ngành dệt may đang được cung cấp bởi Trung Quốc, lớn nhất là vải, rồi tới xơ sợi, phụ liệu như cúc, chỉ, mex… Bởi vậy, kết nối với các đầu mối xuất nhập khẩu mới được các doanh nghiệp dệt may chú trọng.
Chấp nhận giảm lợi nhuận trong thời gian đầu khi mua nguyên liệu từ thị trường mới là phương án được các doanh nghiệp Vinatex nhất trí cao. Trước mắt, các đầu mối cung cấp nguyên phụ liệu tại Ấn Độ, Hàn Quốc, Bangladesh sẽ là hướng tập trung của doanh nghiệp dệt may.
Vinatex cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh đầu tư 15 dự án sợi, 8 dự án dệt, 2 dự án bông trang trại với tổng mức đầu tư 9.722 tỷ đồng, dự kiến giải ngân 5.000 tỷ đồng trong năm nay.
Da giày cũng là ngành phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị từ Trung Quốc. Công ty TNHH Da giày Tuấn Thành (TP.HCM) cho biết, do ảnh hưởng tâm lý nên thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng tranh mua dự trữ nguyên liệu từ các nhà nhập khẩu.
Có quy mô sản xuất không quá lớn nên Công ty và một số doanh nghiệp da giày đang liên kết với nhau để tìm thị trường cung cấp phụ liệu mới, giảm thiểu sự bị động vào một thị trường cung cấp nguyên phụ liệu lớn như Trung Quốc.
Trong một diễn biến khác, bà Peeti Saran, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam vừa có buổi làm việc với đại diện Vinatex và Bộ Công thương, đề nghị Việt Nam gia tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Ấn Độ bằng việc sẽ cung cấp đầu mối và tạo điều kiện kết nối để doanh nghiệp Việt Nam mua nguyên liệu từ các doanh nghiệp Ấn Độ.
“Việt Nam nằm trong số các nước xuất khẩu dệt may lớn nhưng lại phụ thuộc về nguyên liệu đầu vào. Ấn Độ là nước lớn thứ hai trên thế giới về nguyên liệu bông, vải, sợi. Nếu chúng ta bổ trợ cho nhau, tăng cường xuất nhập khẩu thì tiềm năng hợp tác là rất lớn. Ngược lại Ấn Độ sẽ nhập sản phẩm cuối cùng là quần, áo, hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ,” bà Preeti Saran nói.
Hiện Việt Nam đang tích cực đàm phán 6 Hiệp định thương mại song phương và đa phương, trong đó có FTA Việt Nam – EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây cũng là cơ hội để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường, bảo đảm sự phát triển bền vững và cân bằng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn