Không phải ngẫu nhiên mà gần đây Bộ Công thương tổ chức một số sự kiện nhằm tuyên truyền, giới thiệu về thị trường ASEAN với các doanh nghiệp (DN). Trong đó, nội dung nổi bật là những lưu ý về các quy định mới sẽ được áp dụng khi Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành vào cuối năm 2015.
Sản phẩm dệt may có kim ngạch xuất khẩu lớn vào thị trường ASEAN. Ảnh: Nhật Nam
Tiềm năng to lớn
Trong quý I năm nay, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của Việt Nam sang ASEAN đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng đồng thời có xu hướng chậm lại vì DN chưa tận dụng tối đa các ưu đãi quy định trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN.
Dự báo, năm 2014 và 2015 sẽ là thời gian nước rút để các DN Việt thâm nhập mạnh vào thị trường ASEAN khi cộng đồng kinh tế này ra đời vào năm 2015. Các DN được khuyến cáo nên tập trung nâng cao sức cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập làm chủ tình huống mới, gồm tự do hóa đầu tư - thương mại, chấp nhận giảm và tiến tới xóa bỏ thuế quan, đơn giản hóa thủ tục, tự do đi lại và dịch chuyển lực lượng lao động, hình thành tiêu chuẩn hàng hóa chung áp dụng cho cả khối… Rõ ràng, đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn cho DN trong nước.
Theo Bộ Công thương, thời gian tới một số nội dung cần đẩy mạnh triển khai, như cung cấp thông tin về lộ trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, nhất là tác động đa chiều của nó đối với hoạt động xuất khẩu Việt Nam; phân tích, đánh giá khả năng xuất khẩu của một số nhóm hàng, thị trường chính tại khu vực; đề xuất sáng kiến, giải pháp để nâng cao vị thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam…
Những năm gần đây, KNXK hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường ASEAN hầu hết đều đạt mức tăng trưởng khá cao và còn nhiều "khoảng trống". Trong đó, có 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất, lần lượt là Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Indonesia. Các mặt hàng có KNXK lớn là linh kiện điện tử, hải sản, hàng dệt may… hầu hết đều được Việt Nam và các nước ASEAN đưa vào trong danh mục giảm thuế ngay (IL) để thực hiện trong thời gian tới.
Cần hỗ trợ DN làm rõ đặc điểm thị trường
Tuy vậy, đáng quan ngại là KNXK sang các nước ASEAN không ổn định. Thực tế này đặt ra yêu cầu về việc tăng cường chất lượng nghiên cứu thị trường, tập trung làm rõ biến động về thị hiếu, khả năng chi trả của người bản địa…
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công thương) cho biết, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tập trung cải cách thủ tục hải quan và quy tắc xuất xứ hàng hóa để đẩy nhanh thời gian thông quan và giải phóng hàng hóa của các cơ quan hải quan.
Các nước ASEAN cũng đang tập trung phát triển cơ chế "một cửa" ASEAN và điều đó sẽ tạo ra một khuôn khổ hợp tác thích hợp giữa các cơ quan chính phủ cũng như người sử dụng hàng hóa cuối cùng, gồm các DN, nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển, gia nhận phục vụ nhu cầu lưu chuyển dòng hàng hóa giữa các nước ASEAN. Dự báo, tình hình xuất, nhập khẩu sẽ gia tăng mạnh và sôi động trong toàn khối.
Tuy nhiên, DN cần lưu ý một số bất lợi. Rõ nhất là xuất khẩu gạo vì đây là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhưng có sự cạnh tranh lớn với gạo của Thái Lan (đang muốn bán kho dự trữ khổng lồ gần 20 triệu tấn) và chính sách tự túc lương thực của các nước Indonesia, Philippines. Như vậy, khả năng xuất khẩu gạo sẽ gặp rất nhiều khó khăn, xét cả về giá và khối lượng. Tiếp theo, các sản phẩm sắt thép, có giá trị xuất khẩu lớn sang ASEAN cũng đang phải đối mặt với các biện pháp tự vệ của nước nhập khẩu.
Một số chuyên gia cũng gợi ý DN cần tận dụng bản thỏa thuận ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu với Lào, bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương với Campuchia để tận dụng lợi thế của hàng Việt Nam tại hai thị trường này.
Theo Bộ Công thương, trong một thập kỷ qua, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN tăng gấp 4 lần, từ 9 tỷ USD năm 2003 lên gần 40 tỷ USD năm 2013 và khu vực này trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ và EU).
Theo hanoimoi.com.vn