Dệt may trước TPP: Sức nóng đã lan tỏa từ doanh nghiệp FDI


Nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu của DN dệt may rất lớn và đang tăng lên. Với sức khỏe DN nội yếu như hiện nay, cơ hội từ TPP có hiện thực, hay chỉ tạo thời điểm cho vốn ngoại lấn sân và chi phối?

Giữa tháng 4/2014, Long An đã chấp thuận chủ trương cho Công ty Huafa (Hong Kong) đầu tư dự án nhuộm bông kéo sợi với tổng vốn cam kết khoảng 136 triệu USD tại Khu công nghiệp Thuận Đạo. Cùng thời gian này, Công ty Kyungbang (Hàn Quốc) cũng công bố đầu tư thêm 54,2 triệu USD cho giai đoạn 2 nhà máy sản xuất sợi cotton trong Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương).

Anysew.vn_Dệt may trước TPP: Sức nóng đã lan tỏa từ doanh nghiệp FDI

DN này kỳ vọng năm nay sản lượng tăng khoảng 25% trong năm 2014

Theo thống kê sơ bộ, 4 tháng đầu năm nay, riêng khu vực các tỉnh phía Nam đã thông qua chủ trương đầu tư của 5 DN FDI trong lĩnh vực dệt may. Trước đó, hồi tháng 2/2014, UBND TP. Hồ Chí Minh đã cấp phép đầu tư cho 2 dự án vào Khu công nghiệp Đông Nam.

Đó là Công ty Forever Glorious thuộc Tập đoàn Sheico (Đài Loan) cam kết đầu tư 50 triệu USD để triển khai dự án hoàn chỉnh từ dệt vải đến các sản phẩm may mặc chuyên dụng cho thể thao dưới nước; Công ty Gain Lucky Limited thuộc Tập đoàn Shenzhou International (Trung Quốc) đầu tư 140 triệu USD phát triển dự án trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp…

Trước sự “đổ bộ” của NĐT nước ngoài vào lĩnh vực dệt may ở khu vực phía Nam, nhiều DN Việt Nam cũng đang lên kế hoạch tăng cường khả năng cạnh tranh bằng mở rộng sản xuất. Theo đại diện CTCP Dệt may Thành Công (TCM), đơn vị này đang có kế hoạch đầu tư một dây chuyền dệt nhuộm ở Khu công nghiệp Hòa Phú (Vĩnh Long) với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD từ nay đến năm 2017.

Việc đầu tư thêm vào năng lực sản xuất còn có yếu tố công suất những nhà máy của TCM đã quá tải trong thời gian qua. DN này kỳ vọng nếu dự án mới đi vào hoạt động cuối năm nay, sản lượng may mặc của DN này sẽ tăng khoảng 25% trong năm 2014 và tăng 35% trong năm 2015...

Thực tế, nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu của DN dệt may rất lớn và đang tăng lên. Công ty TNHH Coats Phong Phú (thành viên Tập đoàn Coats Holding Ltd.) là một ví dụ. Lượng đơn hàng đặt mua phụ liệu của DN này năm 2014 đã tăng khoảng 30% so với năm trước.

Bà Nguyễn Thanh Thủy, đại diện thương mại công ty cho biết, khoảng 60% nguồn hàng hiện lấy từ nhà máy ở TP. Hồ Chí Minh, còn lại vẫn phải nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc, Hungary (những quốc gia hiện nay không tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP).

Chính vì vậy, để cải thiện vấn đề này, chuẩn bị cho lộ trình Việt Nam gia nhập TPP, DN đứng trước yêu cầu phải đầu tư xây dựng nhà máy mới, đầu tư nguồn vốn để tự sản xuất nguyên phụ liệu mới có lợi thế cạnh tranh với các DN ngoại. Tuy vậy, điều này không dễ dàng đối với phần lớn DN trong nước.

Bởi trong khi họ mong muốn và sẵn sàng đầu tư vào khâu dệt nhuộm, nhưng vấn đề xử lý nước thải đang là một rào cản lớn. Hơn nữa, đầu tư vào dệt nhuộm đòi hỏi công nghệ và vốn lớn, trung bình một nhà máy dệt nhuộm cần vốn đầu tư khoảng 20-30 triệu USD, cao hơn nhiều so với đầu tư một xưởng may chỉ cần 1-2 tỷ đồng.

Bế tắc trong tự đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, nhiều DN nội địa quay sang tìm kiếm đối tác ngoại để cùng bước vào TPP. Thậm chí, trên thị trường chứng khoán nhiều DN dệt may đã sẵn sàng hủy niêm yết cổ phiếu để tìm nhà đầu tư ngoại, có đối tác tốt. Thế nhưng, nhiều DN dệt may đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác, vì nhà đầu tư nước ngoài chọn hình thức đầu tư trực tiếp thay vì góp vốn.

Câu hỏi đặt ra là với sức khỏe DN nội yếu như hiện nay, cơ hội từ TPP có hiện thực, hay chỉ tạo thời điểm cho vốn ngoại lấn sân và chi phối? Cảnh báo vấn đề này, ông Phan Đức Chiến, Giám đốc Công ty dệt xuất khẩu Đức Hoàng cho biết, do thiếu vốn, kém về công nghệ, hạn chế năng lực quản trị… đã có một lượng đáng kể DN dệt may quy mô nhỏ đứng trên bờ phá sản, sống lay lắt, hoặc đã đóng cửa.

                                                                                         Theo thoibaonganhang.vn

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)