Trao đổi riêng với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dệt May cho biết, việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng; trong đó quy định “từ sợi trở đi” (Yarn-Forward) sẽ chỉ phải áp dụng sau khi TPP có hiệu lực từ 3 đến 5 năm.
Quy định "từ sợi trở đi" là một điều khoản của hiệp định TPP, bắt buộc sản phẩm dệt may nhập khẩu vào thị trường các nước thành viên TPP, muốn được hưởng thuế suất ưu đãi, thì phải sử dụng nguyên liệu (từ sợi) do các nước thành viên TPP sản xuất, không sử dụng nguyên liệu sản xuất từ các nước không phải thành viên TPP (như Trung Quốc chẳng hạn).
Công nhân một công ty may đang làm việc tại nhà máy ở Bình Dương
Ông Giang cho biết, các bên đàm phán đã đồng ý gia hạn thời gian áp dụng quy định này nhưng mức gia hạn 3 hay 5 năm sau ngày hiệp định TPP có hiệu lực thì vẫn còn đang thảo luận.
Ông Giang là một trong các thành viên tham gia đoàn đàm phán TPP trong thời gian qua.
Ông Giang cho biết thêm, hiện mức thuế nhập khẩu mà hàng dệt may vào Hoa Kỳ phải chịu dao động trong khoảng 14-24% . Việt Nam muốn sau khi ký kết TPP thì mức thuế này sẽ sẽ giảm thêm 60%, nhưng đối tác muốn giảm ít hơn, khoảng 40%. Theo ông Giang, dù giảm ở mức nào thì cũng rất có lợi cho Việt Nam.
Cũng theo ông Giang, việc gia hạn thời gian áp dụng quy tắc “từ sợi trở đi” là cơ hội tốt để Việt Nam chuẩn bị các bước cần thiết nhằm phát triển hoạt động sản xuất nguyên phụ liệu dệt may trong nước thay cho nhập khẩu.
Thực tế từ trước tới nay, trong Tập đoàn Dệt may chỉ có riêng Công ty CP Dệt May Thành Công là có chuỗi khép kín trong sản xuất, còn rất nhiều doanh nghiệp khác chủ yếu gia công cho nước ngoài, hoặc nhập vải về may bán nội địa và xuất khẩu. Vì vậy, nếu áp dụng quy tắc “từ sợi trở đi” ngay sau khi TPP có hiệu lực (theo ông Giang vào khoảng đầu 2016 quá trình đàm phán sẽ hoàn tất), thì sẽ không nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện để hưởng lợi.
Hiện tại, ông Giang cho biết Vinatex đang xây dựng một số dự án để tạo ra nguyên liệu đầu vào cho ngành may nhằm có thể tận dụng tốt hơn ưu đãi của TPP. Cụ thể, tập đoàn chuẩn bị đầu tư thêm 5 nhà máy nhuộm, tăng lên thành 12 nhà máy. Các công ty lớn mà tập đoàn có vốn chi phối, cũng đã đầu tư thêm nhà máy sợi, dệt ở các tỉnh để có thể tăng năng lực cho ngành dệt may, đồng thời tránh được các rào cản kỹ thuật, tận dụng được lợi thế của các hiệp định song phương, đa phương, trong đó có TPP.
Đồng thời Tập đoàn cũng sẽ đầu tư mạnh cho hoạt động nâng cao công nghệ tại các công ty con, và vay thêm vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á, ngân hàng thương mại trong nước để đầu tư vào các lĩnh vực cốt lõi. Nguồn vốn mà tập đoàn Dệt may cần có là trên 5.000 tỉ đồng để đầu tư cho giai đoạn 2015-2020.
Theo vietstock.vn