Dệt may bứt phá năng lực cạnh tranh


Năm 2014 này, nhiều DN đều gặp thuận lợi về xuất khẩu: đơn hàng nhiều hơn, có điều kiện để chọn lựa đơn hàng giá tốt. Việc đầu tư có trọng điểm, tập trung vào dự án sản xuất có thế mạnh của DN là cách để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Năm 2014, nhiều DN ngành dệt may đặt kỳ vọng bứt phá trong tăng trưởng xuất khẩu, lợi nhuận, tỷ lệ chi trả cổ tức… Đằng sau các chỉ tiêu đặt ra để phấn đấu, hàng loạt kế hoạch đầu tư nhằm thăng hạng về năng lực cạnh tranh cũng được đề ra. Không khó để nhận ra kỳ vọng này khi nhìn vào các báo cáo phát đi trong mùa đại hội cổ đông năm nay, khi mà hầu hết các DN đều đặt ra mục tiêu tăng trưởng mạnh trên nhiều phương diện, thậm chí có nơi lên kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức 2 con số.

Anysew.vn_Dệt may bứt phá năng lực cạnh tranh


DN dệt may đầu tư mạnh để đón cơ hội thị trường năm 2014

Với kim ngạch xuất khẩu năm 2013 chỉ đạt 47 triệu USD, lợi nhuận 50 tỷ đồng, nhưng TCTCP May Đồng Nai (Donagamex) có mức chi trả cổ tức cho cổ đông tới 30%, tỷ lệ mà cổ đông nhiều ngành nghề khác phải ngưỡng mộ. Năm 2014, dự liệu thị trường không hoàn toàn thuận lợi, nhưng Donagamex hoàn toàn tự tin với mục tiêu hoàn thành giá trị xuất khẩu 53 triệu USD, lợi nhuận trước thuế hơn 50 tỷ đồng, chi trả cổ tức vẫn giữ mức 30%.

“Đơn đặt hàng xuất khẩu hiện đã kín hết quý III/2014. Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác đầu tư để tháng 6/2014 đưa thêm 15 dây chuyền may tại Công ty May Ðồng Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và kế hoạch nâng cao năng lực sản xuất của DN”, ông Vũ Đức Dũng, Phó tổng giám đốc Donagamex xác nhận.

Được mệnh danh là “anh cả” trong số các DN thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), với quy mô 30.000 lao động, doanh thu năm 2013 của TCTCP May Việt Tiến đạt trên 8.254 tỷ đồng (tăng trưởng 18%), lợi nhuận đạt trên 500 tỷ đồng (tăng trưởng 31%), kim ngạch xuất khẩu đạt trên 520 triệu USD.

Năm 2013, Việt Tiến có tỷ lệ chia cổ tức ở mức 25%. Việt Tiến cũng là DN dệt may duy nhất cho công nhân làm việc đúng 8 giờ/ngày, 5 ngày rưỡi/tuần, duy trì lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2014 này, TCTCP May Việt Tiến đặt mục tiêu tăng trưởng 15% so với năm 2013, trong đó doanh thu 10.500 tỷ đồng, lợi nhuận 650 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 650 - 670 triệu USD... Hướng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh cao nhất trong khả năng của mình, Việt Tiến không chỉ nhìn vào con số đạt được về giá trị xuất khẩu, doanh thu, lợi nhuận, mà mục tiêu để cải thiện năng lực cạnh tranh của DN này cũng khá rõ ràng. Đến nay, Việt Tiến là DN hiếm trong ngành dệt may có năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Bất chấp khó khăn của kinh tế toàn cầu, xuất khẩu dệt may Việt Nam trong những năm gần đây tương đối thuận lợi. Năm 2013, với mức tăng trưởng 21%, đạt hơn 20 tỷ USD đã tạo đà cho năm 2014 và điều này đang được các DN đón nhận khá chủ động và có sự lựa chọn kỹ lưỡng hơn về khách hàng, cân nhắc các dự án đầu tư để bổ sung năng lực sản xuất nhanh, hiệu quả kinh doanh tốt, thực hiện 4 yếu tố: chất lượng, giá cả, tốc độ cung ứng cho thị trường và khả năng giải quyết các vấn đề dịch vụ sau bán hàng.

Nắm bắt cơ hội này, từ cuối năm 2013, TCTCP Dệt may Hòa Thọ (Đà Nẵng) đã có kế hoạch đầu tư mở rộng Nhà máy may Hòa Thọ I với tổng vốn 207 tỷ đồng. Theo ông Trần Văn Phổ, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty, khoảng 60% trong tổng vốn 207 tỷ đồng được dành cho đầu tư máy móc, trang thiết bị và dây chuyền công nghệ hiện đại của Nhật Bản, EU… đảm bảo cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho nhu cầu xuất khẩu.

Phần năng lực còn lại, DN sẽ dành để sản xuất cho thị trường nội địa, hướng tới dòng sản phẩm chất lượng cao, vì mục tiêu cạnh tranh dài hạn không chỉ cho DN mà vì uy tín của cả ngành dệt may Việt Nam.

Ngay tại thời điểm này, Hòa Thọ đã hoàn tất các thủ tục và chuẩn bị khởi công 2 dự án nhà máy may vào cuối tháng 4/2014 tại tỉnh Quảng Nam, gồm Dự án Nhà máy may Bình Phục (Thăng Bình) với diện tích thuê đất 6 ha, 12 chuyền may, vốn đầu tư 40 tỷ đồng; và Dự án Nhà máy may Tam Xuân 1 (Núi Thành) với 10 chuyền may, vốn đầu tư giai đoạn I lên đến 40 tỷ đồng… Thời hạn xây dựng cả 2 nhà máy chỉ trong 4 tháng và dự kiến tháng 8/2014 sẽ đưa vào sản xuất.

Cùng thời gian này, Dự án đầu tư xây dựng nhà máy veston đồng bộ mới 100% tại TP. Đà Nẵng, chuyên sản xuất quần áo veston với công suất thiết kế 800.000 bộ veston nam/năm của Hòa Thọ dự kiến sẽ hoàn thành và cho ra sản phẩm vào khoảng cuối quý II/2014. Dự án khi đi vào hoạt động sẽ tăng thêm kim ngạch 24 triệu USD, tạo thêm việc làm cho hơn 800 lao động.

“Năm 2014 này, không riêng gì Hòa Thọ mà nhiều DN đều gặp thuận lợi về xuất khẩu: đơn hàng nhiều hơn, có điều kiện để chọn lựa đơn hàng giá tốt. Việc đầu tư có trọng điểm, tập trung vào dự án sản xuất có thế mạnh của DN là cách để nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Phổ nhấn mạnh.

                                                                                      Theo thoibaonganhang.vn

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)