DN dệt may tiến vào miền Trung


Xu hướng dịch chuyển đầu tư nhà máy sản xuất hàng may mặc, dệt nhuộm tới các địa phương dồi dào về nguồn lao động, chi phí nhân công phù hợp… đang diễn ra rất mạnh mẽ. Trong dòng chảy này, các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Quảng Bình… được nhiều DN dệt may lựa chọn.

Đầu tư bài bản

Tuần trước, bằng việc khánh thành giai đoạn 2 Trung tâm sản xuất công nghệ cao - Xí nghiệp May Hà Quảng tại khu công nghiệp Tây Bắc TP. Đồng Hới (Quảng Bình), Tổng công ty May 10 đã một lần nữa khẳng định chiến lược mở rộng đầu tư ra các tỉnh xa với địa bàn hoạt động chính - Hà Nội.

Anysew.vn_DN dệt may tiến vào miền Trung


 DN giảm được tối đa sức ép về lao động khi đầu tư vào miền Trung

Xu hướng dịch chuyển đầu tư nhà máy sản xuất hàng may mặc, dệt nhuộm tới các địa phương dồi dào về nguồn lao động, chi phí nhân công phù hợp… đang diễn ra rất mạnh mẽ. Trong dòng chảy này, các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Quảng Bình… được nhiều DN dệt may lựa chọn không phải chỉ trong thời điểm này.

Từ 10 năm trước, Tổng công ty cổ phần May 10, thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã sớm nhận thấy sự cần thiết của việc phân vùng các dự án đầu tư, nên đã đầu tư Xí nghiệp May Hà Quảng, chuyên may sơ mi, với tổng vốn 35 tỷ đồng tại Quảng Bình.

Từ một xí nghiệp nhỏ, đến nay, May Hà Quảng đã trở thành Trung tâm sản xuất công nghệ cao. Giai đoạn 2 của dự án có tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, mục tiêu nâng tổng công suất nhà máy từ 4,8 triệu sản phẩm lên hơn 8 triệu sản phẩm sơ-mi/năm, thu hút số lao động lên tới 2.000 người, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc May 10 nhìn nhận, khởi đầu từ một xí nghiệp nhỏ, nhưng kết quả mà May Hà Quảng thu về lại không hề nhỏ. Giai đoạn 2011-2013, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, lao động, thu nhập đều tăng trưởng từ 25-30%/năm; riêng 2013 doanh thu đạt 80 tỷ đồng. Kết quả này là động lực để May 10 đầu tư mở rộng năng lực sản xuất cho May Hà Quảng giai đoạn 2.

Quảng Bình là địa phương xa nhất trong số 7 địa phương có các nhà máy của May 10. Nhưng không vì thế, việc đầu tư tại đây kém bài bản. Xí nghiệp May Hà Quảng được thiết kế theo hướng tận dụng tối đa năng lượng tự nhiên - ánh sáng mặt trời, gồm nhà sản xuất mới rộng 5.465 m2, nhà ăn ca mới rộng 1.514 m2 đủ chỗ cho trên 1.000 người ăn cùng lúc.

Bữa ăn hàng ngày của cán bộ công nhân viên được bổ sung nguồn thực phẩm sạch nhờ vào việc tự trồng rau xanh, chăn nuôi, làm giá đỗ, đậu phụ… Tất cả những yếu tố này khiến người lao động yên tâm làm việc và gắn bó hơn với DN. Tình trạng thiếu lao động không xảy ra như ở các khu vực đầu tư khác.

Miền Trung là địa bàn chiến lược

Cũng chọn miền Trung làm điểm đến đầu tư, Tổng công ty cổ phần Dệt May Hà Nội (Hanosimex) đã và đang đầu tư một loạt dự án lớn với tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng, trong đó tập trung phần nhiều tại Nghệ An.

Đã có 3 dự án được Hanosimex đưa vào hoạt động từ tháng 3/2013 đến nay, gồm nhà máy may hàng dệt kim có công suất 5,1 triệu sản phẩm/năm, nhà máy may hàng dệt thoi công suất 3,6 triệu sản phẩm/năm và nhà máy kéo sợi quy mô 30.000 cọc sợi. Đây là 3 trong số 6 dự án di dời và mở rộng đầu tư được DN này triển khai trong giai đoạn 2012-2014.

Ông Nguyễn Song Hải, Phó tổng giám đốc Hanosimex cho biết, thực hiện chủ trương của ngành dệt may, đầu tư ra các vùng ven đô, các địa phương thuận lợi về lao động và cơ sở hạ tầng, một số địa phương miền Trung gồm Nghệ An, Hà Tĩnh… sẽ là địa bàn đầu tư chiến lược của Hanosimex trong thời gian tới.

“Lợi thế về nguồn lao động dồi dào, kèm theo chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh và chiến lược di dời nhà máy về các địa phương là động lực để DN đầu tư nhiều dự án lớn tại Nghệ An”, ông Hải nhấn mạnh.

Ngoài việc tìm kiếm các địa phương có chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với chiến lược phát triển của DN, các dự án đầu tư mới của nhiều công ty dệt may đều được gắn với chuỗi sản xuất. Suất đầu tư của mỗi dự án cũng được DN tính toán để đồng vốn bỏ ra đem lại hiệu quả cao nhất.

Để gia tăng hiệu quả đầu tư trong bối cảnh tài chính khó khăn, trong 2 năm qua, Hanosimex còn rút ngắn được tối đa thời gian thực hiện đầu tư dự án, giúp DN tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ.

Theo ông Hải, trong tất cả các khâu có thể tiết giảm chi phí hoạt động thì tiết kiệm trong đầu tư xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất. Thời gian xây dựng càng nhanh thì mức chi phí DN phải bỏ ra càng thấp.

Quán triệt chủ trương này, tất cả các dự án được thực hiện trong thời điểm này đều có thời gian thi công ngắn kỷ lục. Trước đây, xây dựng một nhà máy may quy mô 5 triệu sản phẩm/năm thường mất 10-12 tháng, nay đã được rút ngắn xuống còn 6-7 tháng.

Đơn cử như dự án nhà máy may hàng dệt kim tại Khu công nghiệp Nam Đàn (Nghệ An) có tổng vốn đầu tư 78,3 tỷ đồng, khởi công vào tháng 10/2012 nhưng sau chưa đầy 7 tháng đã hoàn thành và xuất khẩu được lô hàng đầu tiên. Toàn bộ các nhà máy mới của Hanosimex cũng đều được thiết kế để tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên, giảm thiểu chi phí về điện năng, ông Hải nhấn mạnh.

Dệt may là ngành thâm dụng lao động. Theo các DN, việc lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp, phân tán, tránh tập trung vào một địa bàn sẽ giúp giảm tối đa sức ép về lao động. Sự dịch chuyển đầu tư trong vài năm gần đây về các địa phương đã cho thấy, tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán không còn là vấn đề lớn. Đơn cử như May 10, từ nhiều năm nay DN này không gặp phải cảnh thiếu lao động.

Mong muốn bám rễ sâu tại khu vực miền Trung, nhiều DN đã đầu tư và có chính sách phát triển sản xuất tại đây rất bài bản. “Chính sách lương thưởng tốt, môi trường làm việc tốt, đảm bảo đời sống cho công nhân ở mức tốt nhất trong điều kiện có thể khiến lao động gắn kết chặt chẽ với DN”, Tổng giám đốc May 10 cho biết thêm.

                                                                                                         Theo thoibaonganhang.vn

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)