Dệt may: Thách thức mục tiêu xuất khẩu 32 tỷ USD


Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, đóng góp tới 8% vào GDP. Tuy nhiên, những yếu tố nội tại như thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao cộng với nguồn nguyên phụ liệu phụ thuộc lớn vào nhập khẩu... đã ảnh hưởng lớn đến chiến lược phát triển bền vững của ngành.

Anysew.vn_Dệt may: Thách thức mục tiêu xuất khẩu 32 tỷ USD

Theo các chuyên gia, trong "Quy hoạch ngành dệt may Việt Nam giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030" do Bộ Công Thương soạn thảo nếu những bất cập trên không được giải quyết thì mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 32 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020, tương ứng nội địa hóa đạt 60% sẽ là một thách thức không nhỏ.

Đây cũng chính là nội dung được đưa ra "mổ xẻ" tại hội thảo đóng góp ý kiến cho bản "Quy hoạch ngành Dệt may Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030" do Bộ Công Thương tổ chức hôm nay (20/8).

Mất cân đối về quy hoạch

Hiện Việt Nam có gần 6 nghìn doanh nghiệp dệt may, tạo việc làm cho hơn 2,5 triệu lao động. Nhưng do đặc thù về điều kiện việc làm nên việc tuyển dụng những công nhân lành nghề, có tâm huyết với ngành rất khó khăn.

Bà Đặng Thị Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, phần lớn lao động làm việc trong ngành may công nghiệp là lao động phổ thông, chỉ được đào tạo kỹ năng cơ bản như cắt, may trong các khóa học ngắn hạn.

Không chỉ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lao động phổ thông tại các nhà máy cũng có nhiều bất cập. Phần lớn tuổi đời lao động trẻ, chưa xác định gắn bó lâu dài với doanh nghiệp dẫn đến lực lượng lao động tại các nhà máy thường xuyên biến động.

Cùng chung nhận định này, trong cuộc hội thảo đóng góp ý kiến về Quy hoạch ngành dệt may Việt Nam mới đây, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng nhìn nhận, nhiều năm qua, các doanh nghiệp dệt may thường xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động do tốc độ phát triển quá nhanh, không theo kế hoạch.

"Một số doanh nghiệp dệt may ra đời tự phát khiến nhu cầu sử dụng lao động ngày càng cao, trong khi số lao động đào tạo từ các địa phương không đáp ứng kịp nhu cầu của doanh nghiệp," ông Trường cho hay.

Bên cạnh vấn đề chất lượng lao động thì tỷ lệ nội địa hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm dệt may Việt Nam cũng là bài toán đặt ra đối với ngành xuất khẩu mũi nhọn này.

Đại diện Viện Dệt may Việt Nam cũng cho hay, một trong những điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam hiện nay là tỷ lệ nội địa hóa đối với một số loại nguyên phụ liệu như xơ bông, sợi, vải, chỉ may, bông tấm, mex, cúc, khóa kéo còn thấp, chưa đủ phục vụ cho sản xuất xuất khẩu.

Đơn cử như năng lực sản xuất nguyên liệu xơ bông trong nước mới chỉ đáp ứng 3-4% nhu cầu sử dụng. Riêng năm 2012, Việt Nam đã phải nhập khẩu 418 ngàn tấn nguyên liệu xơ bông.

Số liệu thống kê của Vitas cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu của toàn ngành dệt May Việt Nam là 6,578 tỷ đô la Mỹ, tăng xấp xỉ 20% so với cùng kỳ năm 2012; trong đó riêng nhập khẩu để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu là 5,378 tỷ đô la Mỹ, tăng 21,1%.

"Chính điều này đã hạn chế năng lực cạnh tranh của hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam cũng như ảnh hưởng đến việc tự chủ của doanh nghiệp," đại diện Viện Dệt may Việt Nam cho biết.

Cần tập trung đầu tư chiều sâu

Theo dự thảo chiến lược phát triển của ngành dệt may Việt Nam mà Bộ Công thương đang soạn thảo, mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt từ 31 tỷ đến 32 tỷ đô la Mỹ và nâng lên từ 60 đến 65 tỷ đô la Mỹ năm 2030, tương ứng nội địa hóa đạt 60% và 80%.

Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo Vinatex cho biết, tập đoàn và các công ty thành viên đang tăng cường đầu tư một loạt dự án sản xuất nguyên phụ liệu nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt may xuất khẩu.

Cụ thể hơn, theo ông Lê Tiến Trường, trong 6 tháng đầu năm 2013, Tập đoàn đã triển khai 46 dự án với tổng mức đầu tư 6.144 tỷ đồng; trong đó có 14 dự án sợi, 4 dự án dệt, 20 dự án may và 20 dự án khác.

Trong các dự án này, đã có 3 dự án sợi được đưa vào hoạt động, gồm dự án nhà máy Sợi Vinatex - Hồng Lĩnh quy mô 30.000 cọc sợi; dự án Sợi Phú Bài 2, quy mô 15.000 cọc và dự án nhà máy sợi Đồng Văn của Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội. Tổng sản lượng sợi tăng thêm của ba nhà máy này đưa vào hoạt động là 1.270 tấn sợi (Ne30).

Vinatex cũng đã đưa vào hoạt động các dự án dệt nhuộm như Nhà máy Dệt Yên Mỹ với sản lượng tăng thêm là 180.000 mét vải; Tổng Công ty cổ phần Phong Phú với dự án đầu tư một máy hồ và một máy canh đã qua sử dụng, năng lực dệt nhuộm tăng thêm 63 tấn vải dệt thoi.

Ngoài ra còn có các dự án dệt và sợi đang triển khai khác như Nhà máy sợi Phú Hưng tại Thừa thiên Huế; dự án nhà máy sợi PVTEX Nam Định, dự án nhà máy sợi PVTEX Phú Bài 3; dự án nhà máy sợi Đông Phú; dự án đầu tư Nhà máy giặt Tam Quan của Tổng công ty Phong Phú với quy mô 4,5 triệu sản phẩm/năm...

"Mục tiêu cuối cùng của việc tăng tốc đầu tư là nhằm hình thành và nâng cao chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp trong tập đoàn, khép kín quy trình sản xuất từ sợi dệt-nhuộm hoàn tất-may đồng thời chuyển dần từ hình thức gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm)," ông Trường nói.

Để quy hoạch ngành dệt may đáp ứng được xu thế mới của thị trường, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đều ở mức 2 con số, đáng lưu ý là tới đây, ngành dệt may Việt Nam sẽ đón nhận nhiều cơ hội từ các hiệp định TPP, FTA...  đòi hỏi ngành cần phải có những thay đổi để đáp ứng với nhu cầu và tình hình thực tế.

Do vậy, theo thứ trưởng, trong việc quy hoạch ngành dệt may tới năm 2020, tầm nhìn 2030 cần tập trung làm rõ quan điểm phát triển, định hướng phát triển, đặc biệt cần chú trọng đầu tư, mở rộng vùng nguyên liệu.

"Hiện nay chiến lược phát triển ngành dệt may, chúng ta không đơn thuần chỉ là gia công nữa, mà làm sao để nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, cung cấp nguyên phụ liệu ở trong nước được đầu tư cho những vùng nguyên liệu. Ví dụ như từ những nơi trồng bông đến việc sản xuất thành chuỗi của ngành dệt may, sợi dệt, nhuộm và hoàn tất đến may, chúng ta đang dần dần hoàn thiện để hình thành chuỗi," thứ Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh./.

Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2013 đạt 8,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2012. Dự kiến cả năm 2013, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt từ 19-19,5 tỷ USD.

Lãnh đạo Vinatex cũng cho biết, hiện tỷ lệ nội địa hóa đã đạt từ 48-49%. Riêng các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam với hướng đi ODM thì tốc độ nội địa hóa được cải thiện nhanh hơn, 6 tháng đầu năm trong 1,47 tỷ USD hàng xuất khẩu thì có trên 800 triệu được nội địa hóa.

                                                                                                   Theo kinhte24h.com

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)