DN dệt may TP trước hiệp định TPP: Đối mặt với thách thức


Được coi là một trong những ngành có nhiều lợi thế khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, nhưng điều quan trọng là các DN dệt may của TP HCM có đáp ứng được yêu cầu để được hưởng lợi thế đó hay không đang là câu chuyện được nhiều DN quan tâm.

Anysew.vn_DN dệt may TP trước hiệp định TPP: Đối mặt với thách thức

TPP sẽ tạo ra những cơ hội mới giúp ngành dệt may TP phát triển nhưng sẽ khó có thể phát triển nhanh như kỳ vọng

Vấn đề mà các DN dệt may của TP đang lo nhất là các quy chuẩn quy định trong TPP đòi hỏi rất gắt gao. Trong đó, có quy định xuất xứ nguyên phụ liệu phải từ VN hoặc từ các nước trong TPP.

Thách thức lớn

Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Cty CP May Sài Gòn 3,  từ trước tới nay, chúng ta cũng đã nhập nguyên phụ liệu từ các nước trong TPP như: Hoa Kỳ, Malaysia, Nhật Bản. Tuy nhiên, nhập tại những nước này có nhiều khó khăn, chủ yếu về giá cả. Còn việc khai thác nguyên phụ liệu trong nước càng khó hơn, do tỷ trọng cung ứng nội địa hiện nay rất thấp. Tính riêng tại TP HCM, ngành dệt, nhuộm phát triển chậm, tỷ trọng sản xuất và cung ứng của ngành này mới chỉ chiếm hơn 10%, còn lại là đi nhập.

Lý giải về nguyên nhân ngành dệt, nhuộm của TP quá yếu kém, ông Hồng cho rằng, chúng ta thiếu tầm nhìn xa nên lâu nay không quan tâm đầu tư cho ngành dệt nhuộm. TP chỉ quan tâm, khuyến khích tỷ trọng FDI trong ngành may. Hiện tỷ lệ FDI chiếm tới 60% kim ngạch xuất khẩu của may mặc. “Điều này chỉ phù hợp với trước đây nhằm giải quyết vấn đề việc làm, nhưng lại không phù hợp trong thời điểm hiện nay” - ông Hồng nhấn mạnh.

Ông Hồng cũng cho biết, hiện phần lớn các DN tại TP nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Mà theo quy định của TPP, nếu nhập từ Trung Quốc hoặc các nước ngoài TPP sẽ không được hưởng lợi thế từ TPP.

Theo các chuyên gia, không chỉ đối mặt với những thách thức từ sự cạnh tranh của DN đến từ các nước thành viên trong TPP, những quy định chặt chẽ về nguồn nguyên liệu, các quy định kỹ thuật của nội khối như bao gói, nhãn mác, dư lượng hóa chất tối đa trong sản phẩm xuất khẩu cũng là một rào cản cho hàng xuất khẩu VN. Ngoài ra, TPP cũng đưa ra một số ràng buộc về môi trường, chính sách lao động, tiêu chuẩn an toàn chất lượng… rất gắt gao.

DN cần chuẩn bị gì ?

Xây dựng chuỗi liên kết, cung ứng nguyên phụ liệu là một trong những giải pháp cấp bách đối với DN dệt may TP để đón nhận lợi ích từ TPP.
Trước thực trạng hiện nay, ông Hồng chia sẻ: Về phía Hội Dệt may TP HCM, ngoài nắm bắt thông tin để chuẩn bị cho đàm phán thì Hội đang xúc tiến việc tổ chức liên kết giữa các nhà cung ứng với các nhà may mặc. Đơn cử như, DN sản xuất vải thun với DN xuất khẩu hàng may mặc thun có thể liên kết với nhau... Có thể, bước đầu chưa hỗ trợ được nhiều nhưng từng bước sẽ có sự hợp tác sâu hơn để khi tham gia vào hiệp định TPP thì các DN chủ động được.

Ngoài ra, ông Hồng cho biết, đang có một số dự án từ các nước, đặc biệt là từ châu Âu đã hỗ trợ cho dệt may TP xây dựng chuỗi liên kết, cung ứng nguyên phụ liệu và làm thiết kế để tạo thêm giá trị gia tăng cho dệt may.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Vinh - CEO Cty Nguyễn Phát, TPP sẽ tạo ra những cơ hội mới giúp ngành dệt may phát triển nhưng sẽ khó có thể phát triển nhanh như kỳ vọng bởi vì không chỉ có vấn đề đơn hàng mà còn liên quan tới nguồn lao động. Hiện tại, nguồn lao động cho ngành dệt may đang rất khan hiếm, dệt may không phải là ngành hấp dẫn nên sức thu hút đối với dệt may không mạnh, nhiều DN trưng biển tuyển dụng cả năm vẫn không tuyển được.

Theo ông Vinh, muốn phát triển được ngành nguyên phụ liệu, bên cạnh sự nỗ lực của các DN, TP HCM cần có cơ chế thu hút các DN nước ngoài vào đầu tư lĩnh vực này. Bên cạnh đó, TP cũng cần có chính sách ưu đãi về thuế đất vì các DN ngành dệt, nhuộm sử dụng hạ tầng đất đai rất lớn.

Ông Ray Neyler - Quyền trưởng phòng kinh tế, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM :

Để hưởng lợi ích từ việc tham gia hiệp định TPP, các Cty VN cần tăng cường tham gia các hội chợ chuyên ngành tại Hoa Kỳ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh, tìm hiểu kỹ về các quy định trong xuất nhập khẩu của các nước thành viên TPP, đồng thời nâng cao bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm.

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Cty CP May Sài Gòn 3 :

Các DN dệt may vẫn có quyền hy vọng là thuế nhập khẩu có thể giảm từng bước. Hy vọng, TPP sẽ bổ sung quy định gia hạn cho DN dệt may thêm 3 - 5 năm để từng bước DN mở rộng đầu tư, sản xuất cung ứng nguyên phụ liệu, giúp tăng dần tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu. Chứ bây giờ đòi hỏi phải đáp ứng hoàn toàn nguyên phụ liệu trong nước thì không có DN nào của TP HCM cũng như của VN đáp ứng được.

                                                                                                  Theo dddn.com.vn

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)