“…Châu Phi và Trung Đông hiện đang là hai khu vực thị trường quan trọng để các doanh nghiệp mở rộng thị phần kinh doanh và hợp tác đầu tư”- đó là nhận định của bà Lê Hoàng Oanh - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) - Bộ Công Thương tại Hội thảo “Đẩy mạnh hợp tác xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam – Châu Phi- Trung Đông” do Cục XTTM tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Hàng dệt may Việt Nam đang tạo được uy tín ở thị trường Châu Phi và Trung Đông
Về những cơ hội đang rộng mở tại hai thị trường này, ông Lê Thái Hòa - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Phi, Tây Nam Á (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5%/năm, thế mạnh về dầu mỏ, khí đốt, công nghệ sinh học, công nghệ hóa dầu..., châu Phi, Trung Đông thực sự là thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi và Trung Đông tập trung vào gạo, hàng điện tử và linh kiện, dệt may, sản phẩm cao su, giày dép, cà phê, hải sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng và chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Đông, châu Phi các sản phẩm chất dẻo nguyên liệu, dầu mỏ, phân bón, hóa chất, khí hóa lỏng (LPG), sắt thép.
Xét về tổng thể, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của các bên đều mang tính bổ sung cho nhau; hàng hóa Việt Nam bước đầu đã tạo dựng được chỗ đứng cũng như uy tín đối với người tiêu dùng tại hai khu vực này. Do vậy, theo ông Ben Mohamed Imamo- Quản trị viên chính Chương trình Tăng cường hỗ trợ thương mại (Trung tâm Thương mại quốc tế), DN Việt Nam nên tiếp cận và làm việc với các tổ chức Liên minh Kinh tế và tiền tệ Tây Phi (UE MOA) hay Cộng đồng kinh tế, tiền tệ Trung Phi (CEMAC), Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) để được tư vấn và tận dụng các ưu đãi về thị trường của khu vực châu Phi.
Mặt khác, DN Việt Nam cần tích cực tham gia các hoạt động XTTM như khảo sát thị trường, tham dự hội chợ triển lãm chuyên ngành, xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường phù hợp, sản xuất sản phẩm xuất khẩu có chất lượng quy cách và mẫu mã phù hợp với quy định về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, thị hiếu và tập quán tiêu dùng của các nước này. Cần xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm, mở văn phòng đại diện chi nhánh… và thường xuyên theo dõi tình hình chính trị, những diễn biến mới nhất ở thị trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, cảnh báo trên các website của Bộ Công Thương để phòng tránh rủi ro.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đề nghị các hiệp hội phối hợp với bộ, ngành kinh tế của các nước châu Phi, Trung Đông cùng tìm biện pháp hỗ trợ cho hoạt động XTTM và đầu tư được thuận lợi hơn. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) giúp đỡ DN hoạt động tại thị trường Trung Đông, châu Phi trong việc đưa ra dự báo; phân tích khả năng cạnh tranh đối với các nhóm mặt hàng để xây dựng và thực hiện các chương trình đẩy mạnh xuất khẩu, cũng như hỗ trợ DN trong các vụ kiện tranh chấp thương mại, kiện tự vệ.
Các DN Việt cần thận trọng khi kết nối với các đối tác tại thị trường châu Phi và Trung Đông vì tình hình an ninh chính trị tại một số quốc gia này vẫn còn bất ổn. Bên cạnh đó, còn nhiều rào cản kỹ thuật bảo hộ thị trường tại Thổ Nhĩ Kỳ, Israel; rủi ro trong thanh toán do nhiều nhà nhập khẩu Trung Đông không có thói quen mở L/C, còn các đối tác châu Phi thường sử dụng phương thức thanh toán D/P…
Theo baocongthuong.com.vn