Quy hoạch ngành dệt may để đáp ứng yêu cầu mới


Chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ 36/2008. Qua 5 năm thực hiện, ngành dệt may Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, song cũng đang bộc lộ không ít hạn chế, đòi hỏi sớm có quy hoạch mới để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, từ năm 2008 đến nay tỷ trọng đóng góp của ngành dệt may đối với GDP cả nước trên 8%, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 15%/năm. Dệt may đã trở thành ngành xuất khẩu dẫn đầu cả nước, đóng góp nhiều cho an sinh xã hội và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp sang công nghiệp. Không những thế, từ một ngành không có tên tuổi trên bản đồ dệt may thế giới, đến nay ngành dệt may Việt Nam đã lọt vào Top 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Ngành dệt may không chỉ tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, mà lực lượng lao động trong ngành đã có những thay đổi mạnh mẽ về nhận thức khi làm việc trong môi trường công nghiệp.

Anysew.vn_Quy hoạch ngành dệt may để đáp ứng yêu cầu mới

Hiện nay, ngành công nghiệp dệt may thế giới có xu hướng chuyển dịch nhanh đến các quốc gia có lợi thế về nguồn nhân lực, giá gia công thấp. Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng kể và được dự báo vẫn có lợi thế để phát triển trong vòng 10 năm tới. Quan trọng hơn, Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình dương (TPP)… nên ngành dệt may cần có những điều chỉnh nhằm đáp ứng tình hình mới. Việc xây dựng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là cần thiết, trên cơ sở kế thừa quy hoạch đã có, đánh giá lại, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Theo đánh giá của Viện Dệt may Việt Nam, một trong những điểm yếu của ngành dệt may hiện nay là tỷ lệ nội địa hóa đối với một số loại nguyên phụ liệu như xơ bông, sợi, vải, chỉ may, bông tấm, mex, cúc, khóa kéo còn thấp, chưa đủ phục vụ cho sản xuất xuất khẩu. Đơn cử như năng lực sản xuất nguyên liệu xơ bông trong nước mới chỉ đáp ứng 3 - 4% nhu cầu sử dụng. Riêng năm 2012, Việt Nam đã phải nhập khẩu 418 nghìn tấn nguyên liệu xơ bông. Ngành dệt may cũng đang phải nhập khẩu hầu hết các máy móc, thiết bị, phụ tùng, hóa chất, thuốc nhuộm.

Để quy hoạch ngành dệt may đáp ứng được xu thế mới của thị trường, đặc biệt là đón cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu khi Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình dương được ký kết trong thời gian tới, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị cho tốt nội lực của mình, bao gồm từ chuẩn bị thị trường, thiết kế, sản xuất…

Bất chấp khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới, một số doanh nghiệp có tiềm lực trong ngành dệt may đang tiếp tục mở rộng đầu tư về các vùng nông thôn, không chỉ nhằm tận dụng nguồn lao động dồi dào tại đây mà còn đón đầu cơ hội từ các Hiệp định Thương mại Tự do mà Việt Nam đang đàm phán với các nước. Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, Công ty tiếp tục mở rộng để đón đầu cơ hội từ Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với EU và TPP. Các nhà doanh nghiệp đang mong chờ Hiệp định được thông qua trong năm 2014, đây sẽ là cơ hội rất tốt cho ngành dệt may khi xuất khẩu vào các nước tham gia Hiệp định này.

Theo dự thảo Quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ngành dệt may sẽ trở thành ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn về xuất khẩu và có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng cao; tạo nhiều việc làm, nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập vững chắc. Đặc biệt, đến năm 2020, ngành phấn đấu xây dựng được một số thương hiệu nổi tiếng, hội nhập với thị trường thế giới. Toàn ngành phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 31 - 32 tỷ USD vào năm 2020 và nâng lên 60 - 65 tỷ USD năm 2030, tương ứng tỷ lệ nội địa hóa đạt 60% và 80%. Các mặt hàng chủ lực sẽ là nguyên liệu bông, xơ sợi tổng hợp, sợi các loại, vải dệt thoi, vải dệt kim, sản phẩm kỹ thuật, sản phẩm may mặc.

Các chuyên gia đề xuất, để thực hiện mục tiêu này, ngành dệt may cần tập trung vào các nhóm giải pháp như: thị trường và xây dựng thương hiệu sản phẩm; đầu tư, quản lý ngành; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; thiết kế mẫu; phát triển công nghiệp hỗ trợ; phát triển nguồn nhân lực và tài chính.

                                                                                                                  Theo vietstock.vn  

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)