Trong bối cảnh nhiều ngành nghề kinh tế đang gặp khó, ngành dệt may vẫn nổi lên như một điểm sáng với số đơn hàng xuất khẩu ổn định, kim ngạch xuất khẩu tăng. Tuy nhiên, ngành này cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ, khi thương hiệu và sự phát triển của toàn ngành chưa thực sự bền vững.
Khép lại năm 2012 với kết quả đáng tự hào khi tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may và xơ sợi dệt các loại đạt trên 17 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2012, trong đó, hàng dệt may đạt 15,8 tỷ USD, tăng 12%, giúp dệt may tiếp tục dẫn đầu năm thứ 4 liên tiếp các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. 4 thị trường trọng điểm của Việt Nam đều có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Trong quý 1-2013, ngành dệt may vẫn tiếp tục chứng tỏ vị thế của mình với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,79 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ. Trong đó, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu đạt 2,24 tỷ USD, tăng 13,9% và chiếm 59,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản tiếp tục là 3 đối tác thương mại lớn nhất nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam với tổng kim ngạch xuất sang 3 khu vực thị trường này đạt 2,95 tỷ USD, chiếm tới 78% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trên cả nước.
Xuất khẩu dệt may gia tăng đơn đặt hàng
nhưng giảm lợi nhuận
Số liệu thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam - Vitas cho biết, trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu ngành này đạt 1,3 tỷ USD, nâng tổng mức kim ngạch 4 tháng đầu năm lên trên 5 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ. Còn theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu, kim ngạch hàng dệt may đạt 6,4 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ.
Về thị trường, không chỉ tăng trưởng ở các thị trường truyền thống như EU, Nhật Bản, Mỹ, Nga…, ngành dệt may còn mở rộng hoạt động xuất khẩu, hướng tới tăng trưởng mạnh ở nhiều thị trường mới như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực châu Phi, Trung Đông... Điển hình như ASEAN tăng 30%, Hàn Quốc tăng 20%... Đáng mừng là theo báo cáo từ Bộ Công thương, số đơn hàng sản xuất cho ngành dệt may ổn định đến hết quý 2,3 – 2013. Được biết, tính đến hết quý 1, tồn kho của Tập đoàn Dệt may đã giảm 4% so với cùng kỳ, bao gồm cả tồn kho nguyên liệu, thành phẩm và bán thành phẩm.
Tuy nhiên, gia tăng số lượng đơn đặt hàng là thế, nhưng "căn bệnh trầm kha” thì vẫn còn đó. Kim ngạch tăng, nhưng chủ yếu do lượng tăng, còn lợi nhuận của ngành dệt may có nguy cơ giảm mạnh. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm, tổng trị giá nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may lên tới trên 4,2 tỷ USD, bằng 84,3% kim ngạch xuất khẩu dệt may. Còn tính đến hết tháng 5, Tổng cục Thống kê cho biết, nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đã tăng 18,7% so với cùng kỳ. Rõ ràng, việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu khiến ngành dệt may khó phát triển bền vững. Nguồn nguyên liệu này lại nhập khẩu phần lớn từ Trung Quốc, trong khi đồng nhân dân tệ thời gian đang tăng giá, tất yếu sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm thời gian tới.
Theo daidoanket.vn