Xuất khẩu hàng dệt may - Kỳ vọng FTA


Cuộc khủng hoảng tài chính tại EU lan rộng, kéo dài khiến hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường rộng lớn này tiếp tục bị giảm sút. Tại Việt
Nam, nhiều năm qua, EU là thị trường xuất khẩu (XK) hàng dệt may lớn thứ 2, sau Mỹ. Tuy nhiên, Nhật Bản đã vượt qua EU trở thành thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn thứ 2 của Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, Mỹ, EU, Nhật Bản là những thị trường truyền thống, chủ lực trong XK của hàng dệt may Việt Nam. Trong đó, Mỹ là thị trường XK lớn nhất, tiếp đến là EU và đứng thứ 3 là Nhật Bản. Trong năm 2011, dệt may Việt Nam cũng đã chứng kiến sự tăng tốc ở thị trường Hàn Quốc, khi lần đầu tiên kim ngạch XK dệt may vào Hàn Quốc vượt mốc 1 tỷ USD, ghi tên Hàn Quốc vào top 4 thị trường XK lớn của dệt may Việt Nam. Tính đến cuối năm 2012, XK dệt may vào Mỹ đạt gần 7,6 tỷ USD chiếm 44,7% tổng kim ngạch XK của ngành, EU đạt gần 2,5 tỷ USD, chiếm 14,6%; Nhật Bản đạt hơn 2 tỷ USD, chiếm 12%; Hàn Quốc đạt 1,3 tỷ USD, chiếm gần 8%.

Anysew.vn_Xuất khẩu hàng dệt may - Kỳ vọng FTA

Khi khủng hoảng tài chính thế giới xảy ra, thị trường EU chịu tác động mạnh nhất. Năm 2011, kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của EU khoảng 260 tỷ USD, sang năm 2012 giảm còn 240 tỷ USD, dự báo năm 2013 sẽ giảm còn 234 tỷ USD. Các nước XK dệt may vào EU như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ chịu sụt giảm mạnh, Việt Nam được đánh giá chỉ chịu ảnh hưởng nhẹ. Năm 2011, dệt may Việt Nam XK vào EU đạt gần 2,8 tỷ USD, sang năm 2012 giảm gần 14% chỉ đạt khoảng 2,5 tỷ USD. Dự kiến, XK dệt may vào EU sẽ tiếp tục giảm trong năm 2013, đạt khoảng 2,4 tỷ USD. Trong khi đó, XK vào Nhật trong năm 2013 dự kiến vượt 2,4 tỷ USD. Rõ ràng đây là vấn đề đáng quan tâm cho những doanh nghiệp chuyên XK ở thị trường EU.   

Số liệu XK trong tháng 4 năm 2013 cho thấy, Nhật Bản đã vượt qua EU trở thành thị trường XK hàng dệt may lớn thứ 2 của Việt Nam. Từ thị trường tiêu thụ rất ít trước đó, nhưng với FTA Việt Nam - Nhật Bản có hiệu lực từ cuối năm 2009, tăng trưởng XK dệt may Việt Nam vào Nhật đã tăng mạnh. Ngoài lợi thế được hưởng thuế suất ưu đãi từ FTA, chính sách giảm nhập khẩu từ Trung Quốc cũng là cơ hội giúp dệt may Việt Nam thâm nhập và mở rộng hơn vào thị trường Nhật Bản. Hiện nay, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may tại Nhật Bản vào khoảng 40 tỷ USD/năm. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc hơn 31 tỷ USD, EU là 2,1 tỷ USD, Việt Nam là hơn 2 tỷ USD…

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc giảm sút tiêu thụ tại thị trường EU do tác động mạnh mẽ từ khó khăn của kinh tế. Tuy nhiên, EU vẫn là một thị trường nhiều tiềm năng cho các nhà cung ứng hàng dệt may thế giới, bởi sức hấp dẫn của thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới này và đây cũng là nơi người dân chịu chi nhiều cho mua sắm hàng may mặc.

Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng XK hàng dệt may của Việt Nam được xếp vào nhóm cao nhất thế giới, với 32%. Nhưng tăng trưởng XK của dệt may Việt Nam vào EU không mạnh bằng các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng như nhà nhập khẩu EU đang kỳ vọng vào sự tăng trưởng của dệt may Việt Nam vào thị trường này khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, dự kiến từ năm 2015. Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, hiện thuế suất bình quân hàng dệt may Việt Nam vào EU là 11,7%. Việc cắt giảm thuế từ 11,7% xuống còn 0% chắc chắn sẽ là động lực tăng trưởng cho dệt may Việt Nam vào EU trong thời gian tới. 

Các doanh nghiệp dệt may nhận xét, dù XK có sự chậm lại, thậm chí sụt giảm nhưng nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn thích chọn làm hàng cho EU. Vì trong các thị trường XK, Nhật Bản vốn nổi tiếng là thị trường rất khắt khe trong yêu cầu, chất lượng, đòi hỏi nhà sản xuất phải đầu tư nhiều hơn cho công nghệ, chất lượng và không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ điều kiện để đáp ứng. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, các nhà nhập khẩu của Nhật Bản lại rất chia sẻ với nhà sản xuất trong đàm phán giá bán.     
 
Là 1 trong 5 nước cung ứng hàng dệt may hàng đầu thế giới nhưng tổng kim ngạch XK của dệt may Việt Nam chỉ chiếm khoảng 4% - 5% thị phần nhập khẩu toàn cầu. Tại thị trường Mỹ, nơi XK lớn nhất, dệt may Việt Nam chỉ chiếm khoảng 8%, EU chỉ được 1%. Trong 4 thị trường XK dệt may chính hiện nay, Việt Nam đã có FTA với Nhật Bản, đang trong quá trình đàm phán FTA với Hàn Quốc, EU và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, với mục tiêu lớn nhất là thị trường Mỹ... Dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để mở rộng thị phần XK, làm thay đổi những con số còn quá khiêm tốn ở trên.

                                                                                                             Theo vinatex.com

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)