Giữa những âu lo của đời sống kinh tế và doanh nghiệp, vẫn có những tín hiệu đáng mừng. Điều đáng nói là những tin mừng này lại đến từ ngành dệt may, một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Đó là việc nhiều doanh nghiệp dệt may của cả nước đã ký kết được nhiều đơn hàng cho các tháng còn lại của năm và như lời một giám đốc không giấu được niềm vui, “chúng tôi đang lo động viên công nhân làm hết công suất cho kịp các đơn hàng”.
Điều đáng phấn khởi là không chỉ có được đơn hàng dài hạn, một số doanh nghiệp cũng đã phải bố trí lại các dây chuyền sản xuất để đáp ứng được các đơn hàng khác khi các hợp đồng đã vượt năng lực sản xuất.
Một số giám đốc cho biết, ngoài việc doanh nghiệp Nhật Bản chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam thì hiện nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng đã nhanh chân tìm kiếm nguồn cung cấp hàng dệt may từ các doanh nghiệp Việt Nam ngõ hầu đón đầu hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) theo trông đợi sẽ có hiệu lực từ năm 2015.
Bên cạnh những niềm vui này thì ngành dệt may cũng đang canh cánh nhiều nỗi lo. Một trong những nỗi lo đó là kinh phí cho công tác quảng bá xúc tiến thương mại cho dệt may đặc biệt là tại các hội chợ quốc tế. Tại một buổi giao ban của Bộ Công Thương mới đây, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, kinh phí cho xúc tiến thương mại năm nay đến chậm, khiến cho việc quảng bá gặp khó. Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt may cũng đang đứng trước nhiều sức ép liên quan đến chi phí vận tải, lương cho cán bộ, công nhân viên.
Một số giám đốc cho biết, thị trường dệt may thế giới hiện đang có xu hướng dịch chuyển các đơn hàng và Việt Nam hiện là một điểm đến của của luồng dịch chuyển này. Nếu những khó khăn trên không kịp được tháo gỡ thì hệ quả là lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm, nhất là trong bối cảnh đơn giá không tăng.
Cơ hội đã rõ nếu không nhanh chóng tận dụng, khó khăn rất có thể lại gõ cửa và “đón lõng” doanh nghiệp.
Theo baocongthuong.com.vn |