Các DN ngành dệt may chuyển sang làm hàng nội địa bằng cách chú trọng thay đổi quy cách, mẫu mã sản phẩm nhưng chất lượng không thay đổi so với hàng xuất khẩu, đồng thời tăng cường khai thác thị trường nội địa để cung cấp hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả hợp lý và cũng là để duy trì sản xuất liên tục, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Tại buổi họp báo thường kỳ đầu tháng 5/2013, bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 4 tháng ước đạt gần 5,1 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận của ngành dệt may có nguy cơ giảm nhiều (so với năm 2012) do đơn hàng nhỏ và giá cạnh tranh quyết liệt nên khó nâng đơn giá xuất khẩu. Chỉ số tồn kho trong ngành sản xuất hàng may sẵn vẫn ở mức cao do sức mua trong nước ngày càng hạn chế.
Vì vậy, các DN ngành dệt may đã chuyển sang làm hàng nội địa bằng cách chú trọng thay đổi quy cách, mẫu mã sản phẩm nhưng chất lượng không thay đổi so với hàng xuất khẩu, đồng thời tăng cường khai thác thị trường nội địa để cung cấp hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả hợp lý và cũng là để duy trì sản xuất liên tục, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Ông Phạm Phú Cường – Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Nhà Bè cho biết, May Nhà Bè định hướng từ năm 2013 sẽ đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu trong nước và ngoài nước, trong đó chú trọng phát triển thị trường nội địa nhằm nâng cao vị thế của công ty.
Dự báo năm 2013 ngành dệt may vẫn đối mặt với những thách thức và trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều DN khác chọn giải pháp sản xuất cầm chừng, thu hẹp đầu tư, May Nhà Bè vẫn mạnh dạn tiếp tục tập trung đầu tư công nghệ thiết bị tiên tiến cho các sản phẩm Veston nam, nữ, sơ mi… nhằm tạo sự khác biệt ngày càng cao về chất lượng sản phẩm để phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng nội địa, cán bộ, công nhân viên có thu nhập trung bình khá trở lên.
Bên cạnh giữ vững thị trường xuất khẩu, may Nhà Bè còn tăng cường mở rộng thị trường nội địa bằng cách phối hợp với Vinatex - Mart xây dựng siêu thị mini tại công ty để giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Tổng công ty May 10 thì chọn đầu tư nguồn lực vào việc quy hoạch và phát triển đa dạng kênh phân phối, đặc biệt chú trọng việc mở rộng mạng lưới bán hàng qua kênh đại lý, phát triển chuỗi cửa hàng tại các trung tâm thương mại và siêu thị lớn.
Đầu tư nguồn lực cho công tác thiết kế, đẩy mạnh hoạt động quảng bá để mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, nhưng ưu tiên cho thị trường trong nước cả về nguồn nhân lực và tài chính. Đặc biệt, May 10 tập trung cho dòng sản phẩm mới mang nhãn hiệu GRUSZ và các dòng sản phẩm mang thương hiệu May 10 theo hướng chuyên biệt.
Ông Phan Văn Kiệt - Phó tổng giám đốc Tổng công ty May Việt Tiến đánh giá, khó khăn của kinh tế trong năm 2013 vẫn còn và sẽ ảnh hưởng đến sức mua trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ khiến sự cạnh tranh giữa các DN dệt may gay gắt hơn, cả trên thị trường trong nước và xuất khẩu (giữa DN trong nước với nhau và giữa Việt Nam với các nước trong khu vực).
Chính vì vậy, Việt Tiến xác định, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa ra các sản phẩm mới, tạo lợi thế riêng nhằm chiếm lĩnh thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Với lợi thế có hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, Việt Tiến vẫn tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển xuyên suốt, nâng cao vai trò của dòng sản phẩm cốt lõi của Việt Tiến là áo sơ mi, quần tây. Hướng đến mở rộng các dòng sản phẩm đồng phục học sinh, trang phục công sở… để tăng tiêu thụ nội địa.
Nhiều DN trong ngành dệt may khác cũng nhận định, trong lĩnh vực xuất khẩu thì ngành dệt may Việt Nam vẫn có sức cạnh tranh tốt so với các nước trong khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh... Nhưng trong giai đoạn khó khăn hiện nay thì việc tập trung mở rộng thị trường nội địa cũng là giải pháp quan trọng.
Mặt khác, các DN dệt may xuất khẩu lớn có ưu thế về sản xuất với mẫu mã riêng biệt, khi tiếp cận thị trường tiêu dùng trong nước, cũng đủ sức đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng Việt.
Theo vietstock.vn