Bốn tháng, dệt may xếp thứ hai về kim ngạch xuất khẩu


Bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết tại Hội nghị giao ban công tác tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2013 của Bộ Công Thương rằng qua bốn tháng, ngành dệt may xếp thứ hai về kim ngạch xuất khẩu. Đạt được kết quả này do các DN trong ngành đã linh động điều chỉnh sản xuất cho thích ứng với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Thống kê cho thấy, tình hình xuất khẩu của ngành dệt may tháng 4 và 4 tháng đầu năm tiếp tục ổn định và có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, tháng 4/2013 ngành đạt 1,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, nâng tổng mức kim ngạch 4 tháng đầu năm lên 5,1 tỷ USD, xếp thứ 2 về kim ngạch trong các nhóm ngành hàng xuất khẩu của cả nước.

Theo lý giải của bà Dung, sở dĩ ngành dệt may đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu 20,3% so với cùng kỳ là do ngay từ đầu năm tình hình đơn hàng của các DN trong ngành tương đối ổn định. Các DN cũng có sự chuẩn bị khá tốt về nhân lực, nguyên phụ liệu cho sản xuất nên kim ngạch của ngành có sự tăng trưởng đáng kể. Ngoài ra, do được đánh giá cao về thực hiện trách nhiệm xã hội nên các nhà nhập nhập khẩu lớn, nhất là các nhà nhập khẩu đến từ Nhật Bản tìm đến các DN dệt may Việt Nam ngày một nhiều.
Tuy nhiên, bà Dung cũng cho rằng, đạt mức tăng trưởng kim ngạch tương đối khá so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận của các DN trong ngành đang có nguy cơ giảm. Bởi nhìn chung, sức tiêu thụ của thị trường thế giới chưa thực sự hồi phục, DN ngành dệt may vẫn tập trung xuất khẩu những mặt hàng trung và thấp cấp, sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước xuất khẩu hàng dệt may khác… đã dẫn tới tình trạng đơn giá giảm từ đầu năm tới nay. Trong khi đó, các DN trong ngành lại đang gặp rất nhiều khó khăn với vấn đề chi phí sản xuất tăng đáng kể do: Giá xăng tăng, phí vận chuyển tăng, lương nhân công tăng…. Trên thực tế, một số DN trong ngành đã phải chấp nhận làm không lợi nhuận để duy trì sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty May Thúy Đạt cho biết, đơn hàng của DN 4 tháng đầu năm đã tăng 28% so với cùng kỳ, nguồn lao động ổn định. Tuy nhiên, giá đơn hàng nhìn chung không tăng, thậm chí giảm ở một số mặt hàng vì vậy công ty đã phải đẩy mạnh sản xuất nhằm lấy số lượng để đảm bảo doanh thu.

Phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến lợi nhuận của các DN ngành dệt may có nguy cơ bị sụt giảm. Số liệu thống kê cho thấy, 4 tháng đầu năm, nhập khẩu bông cho sản xuất của ngành dệt may Việt Nam đã tăng 39,5%, nhập khẩu vải tăng 13,8%, nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng 5,6% và nhập khẩu xơ sợi các loại tăng 5,2% so với cùng kỳ... Như vậy, cho dù xuất khẩu của ngành đạt mức tăng trưởng khá nhưng nhập khẩu cho sản xuất của ngành cũng tăng không nhỏ (13,3%).

“Có nhiều trở ngại khiến nguồn nguyên phụ liệu nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất và một trong số đó là rào cản kỹ thuật trong nước quá khắt khe” bà Dung lý giải. Theo đó, với yêu cầu về môi trường mà cụ thể là tiêu chuẩn nước thải cho các dự án dệt, nhuộm quá cao (nước thải sau dệt, nhuộm phải đạt mức A), thậm chí là cao hơn cả những nước trong khu vực đã khiến các DN ngần ngại đầu tư vào các dự án sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, đặc biệt là các dự án dệt, nhuộm.
Vì vậy, bà Dung kiến nghị, Bộ Công Thương có ý kiến với các Bộ ngành liên quan xem xét các quy định tiêu chuẩn về môi trường, nước thải cho các dự án dệt, nhuộm nhằm khuyến khích các DN đầu tư vào phát triển sản xuất nguyên phụ liệu, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ngành đồng thời vẫn phù hợp với các tiêu chí về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Bộ cũng nên đẩy nhanh tiến độ phê duyệt kinh phí cho Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm tạo điều kiện cho các DN có thời gian chuẩn bị và tiến hành các hoạt động quảng bá, mở rộng thị trường.

Về vấn đề giảm lợi nhuận do giảm đơn giá, để khắc phục tình trạng này, hiện nay, các DN trong ngành đã tăng cường khai thác thị trường nội địa bằng cách thay đổi quy cách mẫu mã nhưng vẫn đảm bảo chất lượng so với hàng xuất khẩu nhằm cung cấp sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý cho thị trường nội địa và cũng là để duy trì sản xuất liên tục, đảm bảo việc làm cho người lao động…, bà Dung cho biết thêm./.

                                                                                                        Theo ven.vn

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)