Ngay những ngày sau Tết, các doanh nghiệp ngành dệt may Huế đã thu hút được gần 100% lao động, với 12.000 người trở lại làm việc, sản xuất đã được tăng tốc ngay từ đầu năm.
Công ty Cổ phần Dệt May Huế cho biết, năm 2013, công ty tập trung sản xuất 13 nhóm sản phẩm may, 11.500 tấn sản phẩm sợi và 1.080 tấn sản phẩm vải, dệt kim.
Trong những tháng đầu năm, công ty phấn đấu đưa toàn bộ dây chuyền nhà may 3 vào hoạt động, thu hút giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 lao động. Đồng thời, công ty triển khai xây dựng khu nhà ở xã hội cho khoảng 1.000 công nhân. Năm nay, công ty phấn đấu đạt tổng doanh thu 1.400 tỷ đồng, xuất khẩu 66 triệu USD, lợi nhuận 35 tỷ đồng, đưa thu nhập bình quân lao động đạt 4,2 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trần Quang Vinh, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty cổ phần Sợi Phú Bài cho biết: Với 50.000 cọc sợi, công ty sản xuất và cung cấp khoảng 730 tấn sợi/tháng các loại cho thị trường trong và ngoài nước, trong đó 50%-60% sản lượng được xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Philippines, Iran, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Canada.
Công ty đầu tư các dây chuyền kéo sợi mới, hiện đại bởi các nhà chế tạo nổi tiếng như: Truzschler (Đức), Rieter & Volkman (Thụy Sĩ), Murata & Toyota (Nhật Bản); đội ngũ quản lý và công nhân được đào tạo chuyên sâu, nhiều kinh nghiệm, tay nghề cao; phương pháp quản lý khoa học, được khách hàng trong và ngoài nước tin cậy.
Công ty Dệt May Phú Hòa An vừa có nhu cầu tuyển mới 1.200 lao động. Đến nay, do đã có đơn hàng đặt của các đối tác xuất khẩu đến hết quý 2-2013, nên công ty tiếp tục khẩn trương xây dựng thêm 1 nhà máy mới với 20 chuyền may tại khu công nghiệp Phú Bài để đáp ứng nhu cầu đặt hàng sản xuất.
Đặc biệt, trong tổng giá trị xuất khẩu 34,7 triệu USD của Thừa Thiên- Huế trong tháng 1-2013, thì hàng dệt may đạt 27,5 triệu USD, chiếm 79,3% trong tổng giá trị xuất khẩu, tăng 40,99% so cùng kỳ năm trước. Điều khẳng định ở đây là, các doanh nghiệp ngành dệt may luôn nắm bắt được thị trường, và không ngừng mở rộng nhà xưởng, đầu tư nâng công suất nhà máy, đào tạo đội ngũ lao động để đẩy mạnh sản xuất, cung ứng sản phẩm cho các đối tác theo đúng hợp đồng kí kết nên luôn tạo được uy tín, niềm tin đối với khách hàng, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Hơn nữa, cái được nhất của ngành dệt may là đã tạo được thêm nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương, và đã khẳng định được vị thế của mình trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế./.
Theo baomoi.com